Các nhân viên “béo tốt” ở Anh đã khó kiếm việc và thăng tiến hơn những người ốm, lại dễ bị sa thải hơn. |
Qua thăm dò ý kiến của 2.000 cán bộ nhân sự, tạp chí trên cho biết phân nửa trong số họ nghĩ rằng béo phì ảnh hưởng đến năng suất. Cũng một tỷ lệ như vậy cho rằng người mập thiếu tinh thần kỷ luật. 1/10 cho biết sẽ không muốn một nhân viên mập đi gặp gỡ khách hàng và tin rằng họ có thể cho một nhân viên “lên đường” vì béo phì – là một sự vi phạm luật lao động Anh Quốc.
Karen Dempsey, Tổng biên tập của tờ Personnel Today, phát biểu: “Ngày nay, béo phì không có cùng sự nhìn nhận như giới tính, tuổi tác, sự tàn tật và sự phân biệt chủng tộc. Nhưng như cuộc thăm dò của chúng tôi cho thấy, các nhân viên thừa cân đang bị dạt ra bên lề và ít có cơ hội hơn các đồng nghiệp “mảnh dẻ””.
Bà Dempsey nhấn mạnh rằng sự cần thiết có một “định nghĩa rõ ràng hơn về béo phì” vì nó sẽ giúp các doanh nghiệp nhận ra nó “tác động thực sự” như thế nào đến hiệu quả tại nơi làm việc.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 30% giám đốc tin rằng béo phì là một lý do y khoa chắc chắn để không tuyển dụng một người nào đó. Và 15% cho biết họ ít sẵn sàng đề bạt một người béo phì hơn. Ben Willmott, thuộc Viện Nhân sự và Phát triển Hoàng gia, cho rằng phần lớn “sếp” chọn nhân viên qua khả năng của họ, nhưng cho biết thêm rằng thể trọng cũng là một “khía cạnh nhỏ” được một số chủ sử dụng lao động xem xét.
Daniel Thomas, Phó tổng biên tập của Personnel Today, nói: “Chưa có cái gọi là thái độ kỳ thị người mập, nhưng nếu một người béo phì có thể chứng minh họ thực sự tàn tật thì họ có thể đưa vấn đề ra tòa án lao động”.
Theo kết quả khảo sát mới nhất về béo phì do Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh Quốc thực hiện, 1/5 người trưởng thành ở Anh Quốc béo phì và con số này tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ tính đến năm 2001.
(Theo Người Lao Động)