Truyền thông Trung Quốc ngày 20/2 đưa tin năm 2012, một cặp vợ chồng tới Bệnh viện Liên kết đầu tiên của Đại học Y An Huy để sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản thụ tinh nhân tạo (IVF), vì muốn sinh con thứ hai. Con đầu của họ, một bé gái, lúc đó mắc bệnh nặng.
"Bác sĩ nói trong quá trình mang thai, tôi có thể bị liệt nhưng vẫn quyết định phải vượt qua nó", truyền thông địa phương dẫn lời người vợ nói. Thời điểm đó, cô đã 40 tuổi và phải trải qua ba lần phẫu thuật ngoài và vài thủ thuật y tế "đau đớn".
Sau khi sinh con, cặp vợ chồng dần trở nên nghi ngờ vì nhận thấy con trai trông không giống ai trong hai người. Năm 2020, họ quyết định làm xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy họ không có mối liên hệ sinh học nào với đứa trẻ. Sau khi loại trừ khả năng có sự nhầm lẫn tại các cơ quan chăm sóc thai sản, cặp vợ chồng đệ đơn kiện bệnh viện.
Một phán quyết của tòa án tháng 11 năm ngoái ghi rõ bệnh viện đã không đảm bảo và xác minh rằng họ đã đặt đúng phôi thai vào cơ thể người mẹ, điều này "rất có thể" dẫn đến kết quả không mong muốn. Bệnh viện bị yêu cầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường cho gia đình 640.000 nhân dân tệ (93.000 USD).
Tuy nhiên, người chồng cho biết anh rất đau đớn sau khi phát hiện ra sự thật.
"Tiền bồi thường không có nghĩa lý gì, bởi giờ đây tôi đã qua tuổi sinh thêm con khác. Tôi chỉ muốn biết mình có thể có con trai thật không, và tôi cũng muốn tìm cha mẹ đẻ của thằng bé để nó có thể được hỗ trợ y tế trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn", anh nói.
Người chồng cho rằng Bệnh viện Liên kết của Đại học Y An Huy, một tổ chức hàng đầu nổi tiếng với công nghệ hỗ trợ sinh sản, có sự nhầm lẫn khi đặt phôi thai vào cơ thể vợ mình. Khi anh yêu cầu câu trả lời, bệnh viện nói anh nên cởi mở và từ bỏ nỗi ám ảnh về quan hệ ruột thịt.
Theo Sixth Tone, phản hồi trên của bệnh viện gây phẫn nộ trên mạng xã hội, khi nhiều người nói họ thấy sốc trước vụ nhầm lẫn này và buộc tội bệnh viện làm việc tắc trách, thờ ơ trước mối quan tâm chính đáng của bệnh nhân. "Người ta hy sinh sức khỏe và chi cả số tiền khổng lồ để sinh con, nếu không họ đã chọn nhận con nuôi rồi", một thành viên bình luận trên Weibo.
"Tuy đó có thể là một gợi ý hay, nó không phù hợp để người mắc lỗi (bệnh viện) đưa ra tuyên bố này", một người khác nhận xét.
Có khoảng 300.000 trẻ sơ sinh được thụ tinh ống nghiệm mỗi năm ở Trung Quốc. Giới chức y tế ước tính tỷ lệ phụ nữ vô sinh ở nước này vào khoảng 7-10%. Dựa trên hướng dẫn năm 2019, các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản có nhiệm vụ theo dõi mọi thai nhi, đồng thời lưu trữ vĩnh viễn tất cả hồ sơ pháp lý và y khoa liên quan.
Hướng Dương (Theo Sixth Tone)