Có thể do nhịp độ công việc quá căng nhưng cũng có thể những người ấy đang mắc phải căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại: bệnh... văn phòng.
Một ngày làm việc của Vũ Phương Thảo (24 tuổi, Công ty Tư vấn và thiết kế thủy lợi) bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 5h chiều. Trừ đi hơn hai tiếng nghỉ trưa, thực chất thời gian làm việc của Thảo chỉ tròm trèm 7 giờ. Công việc chủ yếu là soạn văn bản, sắp xếp công văn, kiểm tra và trả lời mail cho phía đối tác.
Không phải tất tả, ngược xuôi xe cộ gì, vậy mà chuyện mỏi lưng, đau chân vẫn như... cơm bữa. Thậm chí, hôm trước đưa cô bạn thân đi kiểm tra mắt định kỳ, Thảo ghé vào đo cho vui, ai dè bác sĩ kết luận Thảo cận một đi-ôp.
Theo Tuổi Trẻ, một nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế cho biết có 27% trong tổng số 305 nhân viên bưu điện và nhân viên ngân hàng được khảo sát bị đau mỏi cánh tay, cổ tay và bàn tay; 30% bị khó thở, tức ngực; 74% thường xuyên đau và khô họng; 73% có cảm giác nhức đầu, chóng mặt; 75,7% nhân viên ngân hàng thường xuyên cảm thấy mỏi mắt, con số này đối với nhân viên trực tổng đài bưu điện là 85%...
Trường hợp của Thảo, dù phát hiện mắt cận một đi-ôp nhưng bác sĩ khuyên chưa nên dùng kính vì đây chỉ là biểu hiện cận thị tạm thời, có thể điều chỉnh dần bằng cách hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với màn hình vi tính.
Theo giáo sư Lê Trung (Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường), những văn phòng tiện nghi lại chính là nơi tiềm ẩn cho dấu hiệu mệt mỏi và những than phiền về sức khỏe thường thấy trong xã hội thời công nghiệp, vì môi trường làm việc tiện nghi vẫn chứa đựng những yếu tố có hại cho sức khỏe và thường không được để tâm nhiều.
Các triệu chứng dễ gặp nhất đối với nhân viên làm trong các tòa nhà cao tầng là cảm giác ngột ngạt, đau họng, khô họng, ho, hắt hơi và... buồn ngủ. Đây là phản ứng tất yếu của cơ thể người Việt khi ở quá lâu trong phòng có điều hòa nhiệt độ. Điều tra của Bộ Y tế cho kết quả 39% số nhân viên văn phòng được khảo sát bị khô da, 19% bị mẩn ngứa do môi trường làm việc thiếu oxy và nhiệt độ trong phòng quá chênh lệch với môi trường.
Điều đáng nói là do các biểu hiện chóng mặt, đau xương, mỏi cơ, khô da... thường chỉ được cảm nhận như những cảm giác tức thời, một dạng “hội chứng”, nên rất ít người chủ động đi kiểm tra sức khỏe, nhận lời khuyên từ bác sĩ. Đau đầu thì thoa dầu gió, khô da thì bôi kem dưỡng ẩm, mỏi mắt tra thuốc... là những “bí kíp” phổ thông của giới văn phòng. Họ chấp nhận tất cả những mệt mỏi đó như một phần đương nhiên của công việc, nhưng từng biểu hiện nếu kéo dài rất dễ trở thành bệnh lý cần phải điều trị lâu dài.
“Tự tạo cơ hội để vận động”, đó là lời khuyên của bác sĩ Phạm Trần Linh, Viện Tim mạch VN, đối với những người mà công việc phần lớn là ngồi và... ngồi. Ngồi lâu, ngồi lì, ít vận động là yếu tố nguy cơ cho một loạt bệnh như táo bón, đại tràng, tăng huyết áp... “Mỗi ngày chỉ dành khoảng một giờ để hít thở không khí trong lành và vận động đơn giản thế này thôi, nhưng cũng đủ để tôi thấy mấy chuyện nhức đầu, buồn ngủ không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa”, Nguyễn Long, một kiến trúc sư trẻ, tâm sự.