Một "giai tầng" mới xuất hiện ngày càng đông, có người gọi đó là "thế hệ bourgeois đô thị hào nhoáng". Họ vươn tới hình ảnh dẫn dắt mình: Phải đẹp, giàu nhanh và thành công trong cuộc sống bằng mọi giá.
Hình ảnh cô thợ mặc chiếc quần tây, áo pull cá sấu, đi xe đạp bây giờ trở nên "nhức nhối" trong các cô gái trẻ. Chỉ giống như một cô thợ dân nhập cư đang vật vã tìm chỗ đứng trong cuộc sống đô thị có đủ hạng người. Hoặc là một cô sinh viên nghèo dưới tỉnh lên đi học.
Hình ảnh lý tưởng phải khác kìa: Ăn mặc model, xài đồ hiệu, cặp với anh chàng có tiền. Mà như thế thì có gì là xấu? Người ta ai cũng phải nhìn lên để phấn đấu.
Cả nền kinh tế quốc gia cũng vậy. Người ta khen sự phát triển kinh tế và sự giàu lên của người Việt Nam thì cũng lấy con số tốc độ tăng chóng mặt của ngành sản xuất xe hơi ở Việt Nam đó thôi. Người ta phấn đấu để mua các thiết bị giải trí cao cấp, thời trang cao cấp và dành tiền để đi du lịch hoặc trị bệnh ở nước ngoài.
Nếu diễn tả sự nghèo khổ, người ta cũng có thể nhìn vào nơi sắm đồ: 95% thực phẩm hàng ngày được mua ở chợ tạm và các hàng bán rong. Nhiều người thu nhập thấp không hề mua hàng ở siêu thị.
Đó là chuyện vĩ mô. Còn "vi mô" chuyện sắm đồ của cá nhân thì sao? Giới trẻ mới hay mua sắm nhiều đồ? Hay các vị trung niên đã có cơ nghiệp, tiền bạc và thường nhìn quanh so sánh với người cùng giai tầng với mình? Có lẽ là không ai làm điều tra để kết luận nhưng có thể cả hai đối tượng trên là "chủ thể mua sắm" nhiều đồ nhất trong xã hội.
"Sinh toàn con gái, khổ nhất là... cái tủ giày và quần áo của chúng nó", một bà mẹ than. Bà mẹ khác lại bảo: "Con gái nó sắm nhiều nhưng là nhiều cái li ti. Tôi toàn con trai có vẻ sắm ít nhưng nó toàn đòi thứ "hết hồn": Đổi xe mới. Đôi giày, cái quần jeans đồ hiệu của nó, cái máy nghe nhạc với cả dàn băng đĩa...".
Mà đâu như cả thế giới cũng không khốn khổ vì nạn nhiều đồ? Ở Mỹ đã có người phải thuê chuyên gia tư vấn giúp cho thoát khỏi đồ đạc quá nhiều. Họ coi như đây là một cuộc trị bệnh phải kéo dài mấy tuần liền.
Mua sắm vô độ đã trở thành một căn bệnh. Xem những bộ phim nước ngoài, thấy khung cảnh sống của họ đúng là như vậy: Nhà bếp, phòng ngủ, phòng ăn... nhiều khi ta tự hỏi: Không biết ai sẽ dọn dẹp những đống khổng lồ ấy nhỉ. Thảo nào hình ảnh người phụ nữ (Mỹ chẳng hạn) lúc nào cũng như đang múa lên, thay đồ, giục con ăn nhanh, chạy nhanh ra cửa, chui nhanh vào xe... Nhịp sống thật là hãi hùng.
Một ngày nào đó bạn hãy giở ra soạn lại tủ quần áo của mình mà xem. Cứ yên chí mình là người giản dị, ít mua sắm, chẳng có đồ gì ra hồn, vậy mà nó cũng chất ngất lên. Có không dưới vài chục bộ áo quần, gần nửa tá giày, đó là con số đã trở nên phổ thông và khiêm tốn.
(Theo Thời Trang Trẻ)