Trong các khu vực cách ly tại nhiều bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi corona, số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tăng lên mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng mất kiểm soát. Tuy nhiên với những bệnh nhân nằm viện vì mắc các chứng bệnh khác, tình hình của họ còn tồi tệ hơn.
Tháng 5/2019, Wan Ruyi, 21 tuổi, sinh viên đại học được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cô đã nằm điều trị ở bệnh viện Union Vũ Hán suốt 10 tháng qua và tình hình bệnh ngày càng xấu đi. Hiện cô rất cần được ghép tủy xương.
"Wan đã trải qua ba đợt ghép tủy nhưng đều thất bại. Tuần trước, dự kiến là lần ghép thứ tư nhưng lại không thể thực hiện", bà Wu Qiong, mẹ của Wan nói.
Bởi bệnh viện Union nơi Wan đang điều trị là một trong những nơi đầu tiên ở Vũ Hán được chỉ định tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới hôm 23/1. Các bác sĩ đã thông báo cho gia đình Wan việc cấy ghép đã dừng lại vì không có đủ nhân viên y tế và lượng máu dự trữ. Gia đình Wan muốn chuyển cô sang một bệnh viện khác ở tỉnh Hồ Bắc nhưng chưa kịp thực hiện thì Vũ Hán đã bị phong tỏa.
Cuối tuần trước, Wan phải chịu đựng đau đớn kéo dài trong nhiều giờ liền, khiến cô "chỉ muốn chết".
"Mỗi ngày ở lại Hồ Bắc khiến tôi cảm thấy bất lực và tuyệt vọng khi nhìn con gái phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tình trạng của con bé ngày càng không ổn định", bà Wu nói.
Wan chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp ở Vũ Hán. Tuy nhiên, khi lực lượng y tế trên khắp Trung Quốc đều lao vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 khiến những người bệnh này bị lãng quên. Họ bao gồm những người mắc ung thư, hen suyễn hay các bệnh động kinh. Một số bệnh nhân tuyệt vọng lên mạng xã hội đăng tin cầu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nơi khác trong nước.
Đối với Fu Daoshun, 81 tuổi, dịch bệnh bùng phát đồng nghĩa với việc ông không còn được tiêm thuốc hàng ngày để điều trị máu khó đông. Trước đó ông được điều trị tại bệnh viện Puai, nhưng nó đã được chuyển thành trung tâm điều trị virus corona từ ngày 23/1. Bệnh viện này không còn đủ nhân lực và thuốc men để lo cho những bệnh nhân như ông Fu nữa.
"Ông tôi bị cơn đau hành hạ sau nhiều ngày không tiêm thuốc. Bây giờ ngay cả việc chuyển ông đến một bệnh viện khác cũng bất khả thi", Fu Yufen, cháu gái ông Fu, cho biết.
"Vũ Hán đang bị phong tỏa, chúng tôi không thể ghé thăm ông. Chỉ còn mình bà tôi già yếu đang chăm sóc ông. Tôi thực sự lo sợ bà cũng sẽ ngã bệnh", cô nói thêm.
Những gì ông Fu có thể làm là nằm trên giường, chịu đựng những cơn đau và chờ đợi cái chết. Ông Fu tuyệt vọng đến mức đã viết sẵn di chúc vào tuần trước.
Các chuyên gia y tế cho rằng mặc dù bệnh nhân nhiễm virus corona được ưu tiên, song những người mắc các chứng bệnh nghiêm trọng khác cũng cần được hỗ trợ. Giáo sư Tang Shenlan tại Đại học Y khoa Duke (Mỹ) cho rằng "thật sai lầm khi tập trung vào các trường hợp nhiễm virus corona mà bỏ rơi các bệnh nhân khác".
"Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm một cách phù hợp để cung cấp các biện pháp chữa trị thiết yếu cho những bệnh nhân này, ví dụ như sử dụng điện thoại để điều trị và chẩn đoán từ xa hoặc cung cấp đơn thuốc", ông nói.
Yao Zelin, giáo sư Xã hội học tại Đại Học East China Normal (ECNU) Thượng Hải, đánh giá hệ thống y tế cần phải được cải thiện ở cấp cơ sở.
"Chính phủ chỉ tập trung vào xây dựng các bệnh viện lớn chứ không phải mạng lưới các phòng khám nhỏ. Như vậy trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh xảy ra chỉ có bệnh viện lớn mới có thể làm nơi tiếp nhận bệnh nhân. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng bệnh nhân do dịch bệnh khiến cả lực lượng y tế lẫn số thuốc dự trữ đều thiếu thốn trầm trọng", ông Yao cho biết.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới khởi phát tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh thành Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch bệnh đã giết chết 1.115 người và hơn 45.000 ca nhiễm bệnh. Trung Quốc đã cho xây dựng hai bệnh viện dã chiến tại tâm dịch Vũ Hán, cử hơn 10.000 y bác sĩ khắp cả nước đến hỗ trợ địa phương này. Nhưng các ca nhiễm bệnh không ngừng tăng lên khiến chính quyền phải trưng dụng cả nhà hát, phòng hội nghị, phòng gym làm nơi điều trị và cách ly người nhiễm bệnh.
Sơn Nam (Theo SCMP)