Chị Phi Yến trước di ảnh của chồng. |
Anh được chuyển từ Bệnh viện ĐH Y Dược sang Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP HCM rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy và kết thúc sau 13 ngày vật lộn với bệnh là cái chết oan uổng.
Trước cái chết của chồng, chị Võ Thị Yến Phi ở thị trấn Châu Thành, (Trà Vinh) đội đơn khắp cơ quan chức năng hy vọng sớm tìm được nguyên nhân cái chết của chồng, nhưng cả ba bệnh viện nơi anh Bá điều trị vẫn không ai chịu nhận trách nhiệm...
Theo chị Võ Thị Yến Phi, khoảng 4 năm trước, trên cánh mũi phải của anh Bá nổi lên một mụn bọc, sau đó vỡ mủ và đã lành vì uống kháng sinh.
Đầu tháng 8/2006, cánh mũi đó lại sưng lên gây đau nhức nên hai vợ chồng đã lên Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM khám và được chẩn đoán bị “nang mũi môi” lành tính.
Ngày 22/3/2007, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyến đã ra Quyết định số 1074 về việc thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét quá trình chẩn đoán, phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân Trương Hoàng Bá.
Tuy nhiên, trong quyết định không ghi thời hạn hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng là bao lâu. Nên đã 2 tháng trôi qua, những người thân của anh Bá vẫn mòn mỏi chờ đợi kết luận nguyên nhân cái chết và ai là người chịu trách nhiệm về cái chết đó.
Ngày 28/8/2006, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiến hành mổ cho anh Bá. Tuy nhiên, sáng hôm sau 29/8, anh Bá đã bị sốt cao.
Liên tiếp từ ngày 29 đến 31/8, tình trạng trên không thuyên giảm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP HCM nằm điều trị ở đây từ ngày 31/8 đến 8/9/2006 với kết quả chẩn đoán bị nhiễm trùng máu. Chiều ngày 8/9/2006, bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy và đã tử vong.
Cái chết của anh Trương Hoàng Bá đã hơn 9 tháng, chị Yến Phi cũng ngần ấy thời gian đội đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ cái chết của chồng, tuy nhiên đến nay gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bác sĩ Kiên Hữu, người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân Bá tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng bệnh nhân bị một bệnh về máu tiềm ẩn và về mặt lâm sàng thì chưa biểu hiện ra. Chỉ khi mổ xong căn bệnh này mới tái phát”.
BS Đỗ Trọng Hải, Trưởng phòng nghiệp vụ Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM thì cho rằng: “Bình thường mổ nang như thế này thì chỉ 1- 2 ngày là bệnh nhân có thể về được và với anh Bá chúng tôi cũng không thấy tai biến gì cả trong và sau phẫu thuật.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng hai bệnh viện Truyền máu và huyết học TP HCM cho biết: Khi anh Bá về phòng cấp cứu thì đã trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng, các tế bào máu và nhiều cơ quan đã bị tổn thương.
Bác sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Theo nhận định của chúng tôi, bệnh nhân bị nhiễm trùng trong lúc trên cơ thể có vết mổ”.
Hiện chưa có bệnh viện nào đứng ra nhận trách nhiệm về cái chết của anh Bá. Trong khi ông Hồ Hào Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho rằng phải mổ tử thi mới xác định được nguyên nhân, còn tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, GĐ Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM lại khẳng định: quá trình điều trị cho anh Bá đã có trong hồ sơ bệnh án. Hội đồng nên thẩm định lại sẽ biết nguyên nhân vì sao bệnh nhân Bá tử vong.
(Theo Tiền Phong)