![]() |
Dòng Nậm Huống bị ô nhiễm đục ngầu. |
Có người ra suối từ sáng sớm ngồi trên bờ rồi cười đến tối lại lui thủi về đắp chăn ngủ, không ăn không uống gì… Những ngày cận Tết, đáng ra người Thái ở đây nhộn nhịp chuẩn bị lễ cúng Mường thì họ chẳng muốn làm gì. Điệu múa xòe năm nay ở Châu Cường sẽ chẳng được khoe sắc bên dòng Nậm Huống.
Xã Châu Cường, Quỳ Hợp, Nghệ An có 11 bản nằm dọc theo dòng Nậm Huống. Kinh tế của đồng bào Thái ở đây chủ yếu phụ thuộc vào rừng và ruộng bậc thang. Từ khi bệnh lạ đổ về, đồng bào không ai còn thiết tha vào rừng, lên nương, tất thảy đều nhìn lên núi Pù Púc khấn vái. Khấn vái mạnh nhất là bản Nạt. Ở thượng nguồn Nậm Huống, bản Nạt loi choi trên sườn đồi.
Theo ông Lô Văn Cầm, đây là bản có nhiều người bị bệnh nhất. Con số thống kê ban đầu cho biết, đã có 9 người (tuổi từ 31 đến 44) bị bệnh. Những người bệnh này chỉ sau khi nhập viện tâm thần Nghệ An một thời gian mới biết ăn, biết nói và bớt cười vô cớ. Những giấy xuất viện của họ đều kết luận là “tâm thần”.
Không khí sợ bệnh lạ cứ loang dần từ bản Tỳ xuống bản Tèo qua bản Nguông, vào sâu tận bản Mường Ham. Nhiều người vì sợ sau một đêm thức dậy bị bệnh lạ ập vào nên đêm đến không dám ngủ, chỉ chờ con gà gáy canh sáng là dậy nổi lửa.
Dấu hiệu ban đầu của người bệnh bản Nạt là nhác ăn, mất ngủ triền miên, chạy trốn khi thấy người lạ, chân tay tê cứng, cơ teo, nhức mỏi khớp xương. Ngay những người lạ cũng không thể cầm lòng trước gia cảnh của anh Vi Văn Tâm khi cả anh và vợ đều mắc chứng bệnh tâm thần. Ba năm trước, một hôm Tâm ra Nậm Huống uống nước rồi ngồi đó rất lâu.
Sau đó, anh cởi hết quần áo, đi từ đầu bản đến cuối bản, nói cười lảm nhảm và bệnh kéo dài từ đó đến nay. Sau ba tháng Tâm bị bệnh thì vợ anh cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự chồng. Khác là toàn thân chị Thỉnh lúc nào cũng ê ẩm, da thịt dần teo lại, thít chặt lấy xương, nhiều chỗ bị bong tróc để lại từng chấm trắng như vỏ trứng gà.
Và nay thì chị không còn tự đi được nữa, miếng ăn đưa vào miệng cũng khó khăn do da bị hóa sừng nên không thể há miệng. Sờ vào da thịt chị thấy cứng như gỗ đã bào nhẵn. Bệnh tật đã khiến người phụ nữ Thái nhan sắc một thời trở thành một bà lão bệnh hoạn dúm dó. Năm đứa con nhỏ của anh chị chưa biết lo cho bản thân, thường bị bỏ đói và suốt ngày ngơ ngác nhìn bố mẹ trong cảnh điên dở.
Về giữa bản, ghé vào nhà Lộc Văn Thoại, người đàn ông điên dở này đuổi tôi và Lô Văn Cầm bằng câu: “Đừng giết tôi”. Người nhà phải thuyết phục mãi Thoại mới ngồi yên với nụ cười vô hồn. Sang nhà Hà Quyết Thắng, anh chìa cho tôi giấy ra viện của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An nhưng lại nói: “Tao cho mày cái tiền đi chơi”.
Khi vào nhà Lộc Văn Chung, Vi Thị Mai, Vi Thị Thương, Vi Thị Tâm ở cùng bản chúng tôi đều gặp cảnh tương tự. Bản Nạt vốn dúm dó ở gốc đồi nay càng quạnh hiu hơn khi nhiều người ngã bệnh. Trước lúc rời bản, Lô Văn Cầm bảo: “Số người bị tâm thần ở bản Nạt chưa là tất cả. Ở nhiều bản khác, chứng tâm thần, lở loét, viêm da và các bệnh chuyên khoa khác cũng đang tăng đột biến, chưa thống kê kịp”.
Khi hỏi những người dân còn tỉnh táo ở Châu Cường nguyên nhân vì sao nhiều người dân bị bệnh tâm thần, viêm da… thì ai cũng cho rằng do tình trạng khai thác thiếc ồ ạt ở Quỳ Hợp làm nguồn nước Nậm Huống bị ô nhiễm, người dân trong vùng dùng nước này đã bị nhiễm độc kim loại nặng và nhiều hóa chất khác. Điều này cũng đã được Trung tâm Y tế Nghệ An khẳng định. Hiện nay, gần 50 moong khai thác quặng thiếc và đá trắng gồm có phép và không phép đang diễn ra xung quanh xã Châu Cường đang ngày đêm thải hóa chất vào dòng Nậm Huống gây tai họa cho người dân.
Dòng Nậm Huống bắt đầu từ rừng Pù Huống, xuyên qua núi Pù Púc rồi băng qua xã Châu Cường. Nước Nậm Huống trong vắt nuôi sống người Thái từ bao đời, nay ngầu đục giận dữ. Mỏ thiếc Khe Đòi đã xả thẳng hóa chất vào Nậm Huống khiến cá chết trắng dòng mấy năm nay. Sau nạn cá chết, hơn 100 con trâu bò, ngựa ở Châu Cường cũng chết do uống nước Nậm Huống. Năng suất lúa cũng giảm vì bị tưới nước ô nhiễm.
Châu Cường nằm ở vùng thấp hơn các xã xung quanh là Châu Hồng, Châu Thành, trong khi ở các xã này nơi nào cũng có điểm khai thác thiếc không đúng quy trình khiến nguồn nước Châu Cường bị ô nhiễm nặng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, nước Nậm Huống và nước giếng Châu Cường không đạt tiêu chuẩn của nước vệ sinh và ăn uống.
Tuy nhiên, từ khi người Châu Cường kêu cứu đến nay đã mấy tháng, tỉnh Nghệ An vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết tình trạng ô nhiễm trên. Chúng ta đã có một “làng ung thư” ở Phú Thọ lẽ nào lại có thêm “xã tâm thần” nữa ở xứ Nghệ?
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)