Tại sân chơi một trường học phía tây nam Nigeria, người ta thấy trong số những đứa trẻ đang xếp hàng để chuẩn bị vào lớp có nhiều cặp giống hệt nhau.
Những đứa trẻ ấy hiện sống ở ngôi làng Igbo Ora, nơi được xem là "thủ phủ sinh đôi của thế giới". Trong số gần 100 đứa trẻ cấp hai ở đây có khoảng 9 cặp song sinh. Trong văn hóa Yoruba, sinh đôi là hiện tượng rất phổ biến và các cặp song sinh thường được đặt tên là Kehinde và Taiwo tùy vào việc ai ra trước, ai sau.
"Làng chúng tôi có nhiều cặp sinh đôi, vì chúng tôi ăn nhiều lá đậu bắp", Kehinde Oyedepo, 15 tuổi, nói.
Người Igbo Ora thường sử dụng lá đậu bắp để làm thịt hầm, một món ăn rất phổ biến trong làng.
Trong khi đó, một số khác lại cho rằng Amala - món ăn địa phương được làm từ mứt và bột sắn - mới là nguyên nhân khiến phụ nữ trong làng cho ra đời nhiều cặp song sinh. Người dân ở đây có giả thuyết rằng các món mứt thúc đẩy cơ thể tiết ra chất gonadotropin, một tác nhân hóa học giúp kích thích việc sản xuất trứng.
Ekujumi Olarenwaju, một bác sĩ phụ khoa làm việc tại thành phố Lagos, cách Igbo Ora khoảng 160 km, tin nguyên nhân của sự kỳ lạ này nằm ở lý do khác, bởi người dân nhiều nơi khác trên thế giới cũng ăn loại mứt tương tự nhưng không cho ra đời những đứa trẻ giống hệt.
"Xét về mặt khoa học, đó không thể là nguyên nhân", bà Olarenwaju nhận định. "Một trong số những lý do hợp lý hơn là yếu tố di truyền, rất có thể sau nhiều năm kết hôn, họ hình thành một loại gene sinh đôi trong môi trường sống này".
Tuy nhiên những người phụ nữ bán lá đậu bắp tại một khu chợ trong làng không đồng tình với lý giải trên. Họ cho rằng truyền thống về cách ăn loại lá này mới là yếu tố quyết định. Chẳng hạn như lá đậu bắp cần được ăn ngay và không bao giờ được bảo quản hay tích trữ lâu ngày.
Oyenike Bamimore, một người bán bánh mì, khẳng định mình chính là bằng chứng sống cho thấy chế độ ăn nhiều lá đậu bắp mới là nguyên nhân thực sự.
"Vì tôi ăn loại lá đó rất nhiều nên tôi đã đẻ được 8 cặp sinh đôi", cô nói.
Hướng Dương (Theo Reuters)