Gương mặt đạo mạo, dù khoác trong người bộ quần áo phạm nhân, ở ông vẫn giữ được cái "cốt" của người từng làm quan. Ông giới thiệu với phóng viên, trước từng làm chủ tịch xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên của phạm nhân có mái tóc bạc và cái nhìn rắn rỏi này là Phạm Quang Định, 56 tuổi, thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc.
Trong câu chuyện đầu tiếp xúc, ông đã thở dài, đáng lẽ tuổi này nếu không có gì thay đổi, ông sẽ về hưu, vui vầy bên con cái. Giờ chỉ vì phạm tội, cái quyền đó bị chính ông tước đoạt. Vợ và 4 người con phải khổ sở, mang tiếng khi có chồng, cha dính án tù tội. Nhưng ông cũng bảo: "Biết sai để sửa thì chẳng bao giờ là muộn". Tính ông vẫn khẳng khái như khi còn trong quân ngũ.
Với chất giọng trầm ấm, đều đều, ông kể từng có thời gian trong quân ngũ. Kết hôn, vợ chồng người lính trẻ Đinh Quang Định khi đó vẫn người tiền tuyến, kẻ hậu phương với ruộng vườn. Lần lượt 4 người con ra đời. Sau đó, ông rời quân ngũ, tham gia công tác tại địa phương. Được sự tín nhiệm của người dân xã Cao Minh, trong mấy chục năm, ông giữ chức Bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, rồi chủ tịch xã.
Ông Phạm Quang Định trong trại giam Vĩnh Quang. |
Ông bị "đứt gánh" lúc đang ở năm cuối của nhiệm kỳ chủ tịch xã. Ông nhỏ giọng, rồi phân bua chỉ vì bệnh thành tích mà phạm tội. Ông là người ký duyệt các thủ tục xét cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Nguyên chủ tịch xã này đã ký 10 bộ hồ sơ xin cấp sổ đỏ sai quy định, gây thất thoát hơn 1 tỷ đồng. Nam phạm nhân tóc muối tiêu cho biết: "Huyện giao mỗi năm phải hoàn thành thủ tục cấp 300 sổ đổ. Đến hết quý III, xã mới hoàn thành hơn 100 hồ sơ".
Bị kết tội vì hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Định ra trước vành móng ngựa với án phạt 4 năm tù. Ông làm đơn kháng án nhưng Tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án 4 năm. Điều khiến ông day dứt là các lão làng trong xã cũng bị liên đới. Cụ Bùi Đức Tuyên, 80 tuổi, Trưởng thôn Cao Quang và cụ Dương Đức Hòa, 70 tuổi, Trưởng thôn Đức Cung phải lĩnh mức án 24 đến 36 tháng tù treo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Những ngày đầu nhập trại, ông ân hận, nuối tiếc và nhớ nhà da diết dù nơi cải tạo cách vợ con ông vài chục km. Nhiều đêm, ông trằn trọc, mất ngủ. Một đời quen "chỉ tay 5 ngón", khi vào tù rồi, ông phải thả cá, trồng rau cùng bạn tù. Thấy ông Định tích cực cải tạo, tháng 8 vừa qua, Giám thị trại cắt cử ông giúp việc cán bộ ở nơi thăm gặp phạm nhân. Chút niềm tin nho nhỏ ấy đã khích lệ sự lạc quan trong ông.
Nhắc đến vợ, ông thở dài vì thương bà quanh năm vất vả với ruộng vườn. Vợ ông là nông dân thuần chất, chồng làm "quan" bà vẫn cấy cày, chăm bẵm con gà con vịt. "Trước đây tôi bận rộn, bà ấy thông cảm. Giờ khi tôi vào tù, người phụ nữ đó vẫn một mực động viên chồng, tháng nào cũng lên thăm tôi", ông rơm rớm khi nói về người vợ lam lũ. Hai vợ chồng gặp nhau, câu chuyện ít nhiều hỏi han về con cái, gia đình. Ông biết từ lúc vào trại, vợ và các con đã chịu không ít những bàn tán của thôn xóm.
Nói tới các con, ông hồ hởi khoe, 4 đứa đều thành đạt. Cô con gái thứ hai có bằng thạc sĩ, con thứ ba đang nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Cậu con trai út vừa rồi cũng thi đỗ vào ĐH Bách Khoa khiến ông mừng lắm. "Vinh hoa rồi cũng tàn. Đối với tôi, giờ sự vững vàng của con cái mới là thành tựu đời mình", ông Định nói.
Người cùng lĩnh án với ông năm nay được đặc xá sớm hơn cũng khiến ông chạnh lòng. Tuy nhiên, nhìn những người vui vẻ trong ngày đoàn tụ với người thân với ông đó cũng là động lực để phấn đấu cải tạo hơn nữa. "Mấy chục năm, cống hiến và mải miết với công việc, ông đã không dành nhiều thời gian bên vợ và các con. Tôi muốn sau này ra bù đắp cho họ", ông chia sẻ.
Việt Dũng