Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, bé trai 8 tháng tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. "Bé không thể tự thở mà phải dùng máy thở trong suốt quá trình vận chuyển từ Cần Thơ đến TP HCM. Tình hình rất xấu", vị bác sĩ nói.
Người nhà cho biết, tai nạn xảy ra tại gia đình. Thấy con kim quýt (loại côn trùng cánh cứng) chui vào miệng con, người mẹ hoảng loạn cho tay vào miệng móc ra nhưng không được. Bé ho sặc sụa vài phút thì tím tái.
Nhận định cách xử trí của mẹ có thể đã khiến con vật chui vào sâu hơn trong đường thở, các bác sĩ đã dùng các thiết bị soi đường thở và tìm thấy rải rác các bộ phận đầu, thân và cánh của con côn trùng.
"Trước khi chết, con vật đã bò khắp nơi khiến khí quản tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra chất acid tiết ra từ kim quýt đã khiến đường thở bị bỏng và nhiều đàm nhớt", bác sĩ nói.
Phải mất 2 đợt phẫu thuật, các bác sĩ bới gắp được toàn bộ con kim quýt dài gần 2 cm. Đây là loại bọ cánh cứng, chân cứng rất nguy hiểm khi bay vào đường thở. "May mắn bé nhập viện kịp thời vì chỉ cần chậm chừng vài phút, bệnh nhân đã có thể tử vong".
Chiều 8/6, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định, tuy nhiên bé vẫn phải nằm viện để được tiếp tục theo dõi tổn thương phổi.
Lần đầu điều trị trẻ bị côn trùng sống chui vào phổi, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết chính cách xử trí sai đã khiến con vật chui sâu vào đường thở. "Ở trường hợp này, nếu mẹ bình tĩnh vỗ lưng ấn ngực, dị vật đã có thể được sặc ra ngoài".
Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật
Thiên Chương