Nguyễn Trâm, đến từ Thanh Hóa, đăng video con trai rửa rau lên một trang mạng xã hội cùng chú thích: "Mẹ hơi bị 'phát xít' tí, bắt làm việc rõ sớm. Từ nhặt rau, rửa rau, rửa bát, vò quần áo... mẹ đều tập cho làm sương sương rùi đó. Không điện thoại, không ipad, một ngày chỉ cho con xem ABC Kids TV tầm 20-30 phút. Cho con học các đồ vật, trời mát thì cho con ra ngoài sân vườn để nhìn cây cỏ, chim chóc. Bây giờ bé có vốn từ kha khá, biết được nhiều đồ vật, các loại hoa quả và con vật... Mẹ gọt dưa lê, dù là cậu rất thèm nhưng khi gọt xong thì mang ra mời ông bà trước rồi mới ăn. Đó là con tự ý thức được và nhìn người lớn rồi làm theo chứ mẹ chưa hề dạy. Mẹ làm việc nhà là con cũng hóng lắm. Vậy nên từ khi 19 tháng tuổi, tôi chỉ con cách nhặt rau, quét nhà, lau bãi nước tiểu. Con nhìn theo bố, uống sữa xong tự giác mang hộp ra sọt rác vứt, nếu ngũ cốc rơi xuống sàn, con tự lấy chổi quét mà không cần mẹ nói. Con tự giác ăn ngủ, thấy bố mẹ bận thì chơi với cô, không đòi hỏi. Có ai muốn kết thông gia không nào?".
Bài đăng của Nguyễn Trâm đã thu hút 5,3 nghìn lượt cảm xúc, 538 bình luận, 79 lượt chia sẻ. Phía dưới bài viết là nhiều bình luận khen cách dạy con của Nguyễn Trâm. Tài khoản Dương Thùy viết: "Con cái trưởng thành như nào, tính cách phát triển ra sao chính là nhờ cách dạy dỗ và môi trường xung quanh bé. Mẹ làm tốt lắm mẹ ơi. Chúc con càng lớn càng ngoan".
Tài khoản Kim Thư bình luận: "Tôi cũng thích cách như thế này. Để em bé tự giác từ sớm chứ hơi đâu mà dọn hết đống bầy bừa cho tụi nhỏ. Tự làm như này vừa giúp em bé biết gọn gàng vừa giảm thời gian dọn dẹp của người lớn nữa, một công đôi việc".
Tài khoản Phan Lê Hoàng Phú viết: "Nuôi con vầy mới là nuôi. Nhiều người cứ đổ cho con cái rằng tính cách chúng thế này thế nọ mà không nghĩ lại, con nít có tính học hỏi rất cao. Nếu được rèn từ nhỏ thì bé sẽ có tính cách tốt thôi".
Tài khoản Nguyễn Khánh Hà thực tế: "Chắc phải vác sách vở sang xin ít kinh nghiệm của mẹ này quá".
Chia sẻ với Ngoisao.net, Nguyễn Trâm (sinh năm 1994) cho biết nhân vật chính trong video là con trai cô - bé Vũ Ngọc Bảo Khánh, tên thường gọi ở nhà là Gấu và tròn 2 tuổi vào ngày 25/7. Lý giải về việc con trai biết làm việc nhà từ rất sớm, bà mẹ 9X bộc bạch: "Mẹ chồng tôi mất sớm, chồng tôi chỉ còn bố. Vì vậy, khi hai chúng tôi cưới nhau, tôi trở thành người phụ nữ duy nhất trong nhà. Chồng và bố chồng đều giúp tôi san sẻ việc nhà. Tôi cũng nói với chồng rằng sau này có con, bé sẽ nhìn theo bố nhiều. Nếu mẹ nấu cơm thì bố rửa bát, mẹ dọn dẹp thì bố phơi đồ, không có chuyện một người làm, một người chơi. Tôi dạy con làm việc nhà với mục đích giúp con hiểu được rằng việc nhà là chia đều cho tất cả thành viên trong gia đình chứ không riêng mình mẹ làm. Lúc Gấu biết ngồi vững, tôi bắt đầu cho con ngồi ăn cơm cùng gia đình. Khi chia đũa cho mọi người, tôi nói: Gấu nhìn mẹ so đũa cho ông, cho bố này. Đến lúc bé được 16 tháng tuổi, lần đầu con tự chia bát đũa cho mọi người khi bắt đầu bữa ăn dù không ai nhắc. Ông nội bé cười, thích thú còn chồng tôi vô cùng ngạc nhiên. Ban đầu, tôi chỉ dạy để con biết thôi, không trông mong là con sẽ nhớ để làm nhưng khi con tự giác và biết làm theo như vậy tôi rất vui".
Trâm kể thêm cô lấy chồng ngay sau khi ra trường nên kiến thức chăm con của mẹ 9X là số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, từ khi có bầu, Trâm tích cực tham gia các lớp học tiền sản, các lớp nuôi dạy bé. Trâm thống nhất với chồng và thông báo với hai bên nội ngoại về cách dạy con nghiêm khắc với mong muốn bé nên người. "Ông bà nội ngoại biết tính tôi, nói là sẽ làm. Vì thế khi thấy tôi rèn giũa, dạy con, gia đình đôi bên không phản đối. Có lẽ cách dạy con của tôi là khác biệt với nhiều người. Tôi từng đến nhiều trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ. Các trải nghiệm đó tôi thấy rằng dạy con biết nhiều để con dễ thích nghi, sau này càng dễ sống. Khi Gấu biết tự lập, tự giác, phụ giúp ông bà, cha mẹ làm việc nhà, ông nội vui lắm, đi đâu ông cũng khoe về cháu", cô nói.
Sau một thời gian quan sát mọi người làm việc nhà và được mẹ hướng dẫn, bé Gấu 23 tháng tuổi đã biết nhặt rau, biết rửa rau, rửa bát, quét nhà, tự xúc cơm ăn, gấp khăn sữa, lấy yếm đeo, lấy đồ cho mẹ, cất nồi cơm, so đũa, vứt rác... Ban đầu, Gấu còn vụng về khi nhặt rau khiến mẹ phải nhặt lại hoặc vứt rau lung tung nhưng càng về sau bé càng thuần thục hơn. Khi mẹ rủ đi chơi, Gấu biết lấy áo, lấy mũ, đi dép vào và chạy ra xe. Nếu uống sữa xong, Gấu biết tự vứt hộp vào sọt rác, nếu sữa chưa hết thì bé sẽ đặt hộp sữa lên bàn và nói: "Gấu để đây mẹ nhé". Nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ khi bên con, Trâm hồi tưởng về một hôm, bà ngoại gọt xoài để ở bàn uống nước và đi chơi, Gấu liền chủ động đưa xoài cho mẹ dù không ai nhắc và nói: "Mẹ măm đi. Nhon (ngon) lắm". Hành động này của con khiến cô dù mệt nhưng rất đỗi ngạc nhiên và cười phá lên vì vui sướng.
Ngoài việc dạy con làm việc nhà, từ lúc con mới chào đời, Trâm cũng rèn con sinh hoạt theo quy củ, nề nếp, ăn ngủ đúng giờ đúng bữa. Ban ngày Trâm mở cửa sổ để con thấy ánh sáng và hấp thụ vitamin D. Mẹ 9X nói chuyện với con nhiều để bé có phản xạ tự nhiên và ánh mắt linh hoạt với thế giới xung quanh. Đến đúng 21h, Trâm ôm con và nói: "Đêm muộn rồi, mẹ con mình đi ngủ thôi con nhé". Vì trẻ con dễ uốn nắn nên Trâm chỉ cần thực hiện liên tục từ 5-7 ngày để con quen dần với lối sinh hoạt. Do đó, từ khi sinh con tới nay, Trâm chưa bao giờ phải thức quá 23h. Trâm cho rằng điều kiện tiên quyết trong việc duy trì nếp sinh hoạt của con là sự kiên nhẫn, kiên định của bố mẹ.
Khi ở bên con, Trâm không cho con tiếp xúc nhiều với điện thoại, ipad mà dành nhiều thời gian chơi với Gấu. Trâm đi tới đâu, ăn gì, làm gì đều chỉ cho con. Khi ở nhà, hai vợ chồng thường lấy tập bách khoa toàn thư để dạy con về các con vật, chữ cái, dạy con số đếm. Cả hai cũng đứa bé đi chơi công viên, siêu thị, dạy con biết về thế giới xung quanh, gặp gỡ nhiều người. Nếu có những con vật, cảnh quan mới lạ với con, cô sẽ chỉ cho bé như đây là bông sen, kia là con vịt... Tất cả đều được Gấu ghi nhớ. Mẹ 9X cũng tập cho con ăn chua, cay, mặn, đắng, ngọt để con được trải nghiệm, dễ thích nghi với cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình dạy con của Trâm không trải toàn hoa hồng. "Trước đây tôi dễ cáu con, cũng từng đánh mông con và rất ân hận. Sau đó, tôi được tiếp xúc với một cô chủ quán tiệm làm tóc. Cô ấy nói chuyện với con nhẹ nhàng, con cô ấy rất ngoan với mẹ. Vì thế, tôi tâm sự với cô về cách dạy con. Cô nói rằng khi người mẹ nói chuyện bình tĩnh với con thì con sẽ đáp lại nhẹ nhàng với mẹ. Cáu con cũng là một cách diễn đạt mà trò chuyện nhẹ nhàng cũng thế thì tại sao không dùng phương pháp ít gây tổn thương hơn", Trâm kể.
Từ hôm ấy, mẹ 9X quyết định thay đổi cách nói chuyện với con, cô học cách kiềm chế. Khi dạy bé lần đầu mà con chưa nghe thì Trâm nói nhẹ nhàng. Chẳng hạn lúc Gấu thích nhai viên dầu cá mà hôm đó đã uống đủ liều thì Trâm sẽ nói: "Hôm nay con uống đủ rồi nhé, ngày mai mẹ lại lấy thuốc cho Gấu nhai nhé. Cái này ăn nhiều quá sẽ không tốt con nhé". Sau đó, Gấu sẽ vui vẻ buông lọ dầu cá để mẹ cất đi.
Trâm dự định đợi con lớn hơn sẽ đưa con tới trung tâm bảo trợ xã hội để con hiểu hơn về cuộc sống, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Hằng Trần
Ảnh & Video: NVCC