Cậu bé Bayezid Hossain, sống ở huyện Magura, phía nam Bangladesh, chào đời đã mắc phải tình trạng hiếm gặp, khiến cậu già như ông lão. Hiện tại tuy mới 4 tuổi nhưng gương mặt Bayezid đã sưng phù, da chảy sệ, xương khớp lão hóa và mắt hõm sâu.
Ngoài ra, Bayezid cũng gặp khó khăn trong việc tiểu tiện, vài chiếc răng đã lung lay và gãy rụng.
Những đứa trẻ trong làng, nơi Bayezid được đặt cho biệt danh "ông già", ban đầu sợ không dám chơi với cậu bé, dù bố Bayezid khẳng định con trai anh thông minh, lanh lợi hơn nhiều đứa trẻ cùng tuổi.
Các bác sĩ từng nói với bố mẹ Bayezid rằng căn bệnh mà bé mắc phải là chứng Lão hóa sớm và nhão da. Chúng sẽ khiến em khó có thể sống qua tuổi 15.
Tripti Khatun, mẹ của Bayezid, sinh con trai khi mới 14 tuổi. Cô cho biết khá bất ngờ trước sự thông minh của con nhưng mỗi lần nhìn cậu bé chị lại không khỏi xót xa. Bà mẹ trẻ cho biết Bayezid thậm chí trông còn như người ngoài hành tinh lúc vừa chào đời.
"Đến khi 3 tuổi thằng bé mới học đi nhưng lúc ấy hàm răng đã mọc đủ rồi. Sự phát triển thể chất của Bayezid hoàn toàn không bình thường nhưng về mặt tư duy trí tuệ thì rất tuyệt vời. Nó rất hiểu biết và trực giác cũng phát triển tốt. Thằng bé trông không giống những đứa trẻ khác, mà như một ông cụ. Lần đầu làm mẹ, tôi thực sự không thể chịu nổi khi nhìn thấy con mình như thế", chị Tripti chia sẻ.
Lúc chào đời ở bệnh viện phụ sản năm 2012, cả Tripti và chồng, anh Lovelu Hossain, 22 tuổi, đều tuyệt vọng khi bác sĩ không biết làm cách nào để chữa trị cho con trai họ.
Sau khi về nhà, thông tin về cậu bé Bayezid kỳ lạ lan truyền khắp làng, hàng xóm kéo đến nhà cặp vợ chồng trẻ, xếp thàng hàng dài chỉ để nhìn em. Tuy nhiên, chẳng có mấy ai hỗ trợ hay giúp đỡ họ.
Khi lớn hơn, sự phát triển về thể chất và tính cách của Bayezid cũng nhanh hơn nhiều so với bọn trẻ trong làng.
"Thằng bé rất bướng bỉnh, biết rõ mình muốn gì, và cũng nhanh nản chí. Nhưng nó lại hiếu động, đầu óc nhạy bén, có thể nói rõ ràng, mạch lạc như người lớn", Tripti nói thêm.
Tuy không đến trường nhưng Bayezid rất thích đá bóng, vẽ trên giấy, có khả năng sửa đồ chơi sau khi đã phá hỏng chúng.
Tripti kết hôn với Lovelu, người đang làm công nhân nhận lương theo ngày và có thu nhập mỗi tháng khoảng 5.000 rupee (gần 70 USD), từ khi cô mới 13 tuổi. Cả hai thực chất là anh em họ, nhưng việc họ hàng lấy nhau là chuyện bình thường ở Bangladesh và các nước nam Á. Hiện cặp vợ chồng sống cùng bố mẹ Lovalu.
Cặp vợ chồng cho biết họ đã chi khoảng 5.300 USD để đưa Bayezid đến gặp các bác sĩ từ lúc em chào đời đến nay, nhưng chẳng có sự thay đổi nào.
"Con trai tôi không phải là đứa trẻ bình thường và đối với bất kỳ ông bố, bà mẹ nào thì việc biết con mình không thể sống lâu cũng là một điều bi kịch. Tuy vậy tôi tự hào về thằng bé. Nó biết bệnh của mình nhưng không thích nói về chủ đề đó. Thằng bé chỉ khóc mỗi khi cảm thấy khó khăn, bất tiện", chị Tripti kể.
Bác sĩ Debashis Bishwas, thuộc bệnh viện trung ương Magura, gặp Bayezid tháng trước và tìn rằng cậu bé bị chứng lão hóa sớm và chảy nhão da.
"Chúng tôi chỉ có thể khuyên gia đình nên đưa bé đến bệnh viện Y Dhaka hay bệnh viện đại học Y Bangabandhu Sheikh ở Dhaka để điều trị bởi ở đây chúng tôi không có phương pháp nào để điều trị cho bé cả", ông nói.
Hướng Dương