8h50 sáng ngày 6/8, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận ca bệnh hai tuổi bị đuối nước. Bé trai được người nhà đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, mạch bẹn không bắt được. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé. Bệnh nhi sau đó có thể tự thở, khóc to và da môi hồng. Bệnh viện cho biết hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, còn tâm lý hốt hoảng và quấy khóc.
Theo người nhà, bé vô tình rơi xuống ao gần nhà. Sau khi phát hiện tai nạn, đưa bé lên bờ, gia đình lập tức chở bé bằng xe máy đến bệnh viện cấp cứu. Bé tiếp tục được thực hiện các cận lâm sàng và theo dõi sát tại Phòng cấp cứu.
Video quá trình cấp cứu bệnh nhi được đăng trên Fanpage bệnh viện đã thu hút hơn 4.000 lượt tương tác, 256 lượt chia sẻ. Người dùng mạng bày tỏ cảm giác hồi hộp, căng thẳng khi theo dõi bác sĩ cấp cứu em bé. Đồng thời, rất nhiều bình luận khen ngợi tác phong làm việc chuyên nghiệp của các y, bác sĩ bệnh viện.
Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào mùa hè. Phát hiện và sơ cứu nhanh chóng, kịp thời, đúng cách sẽ cứu được tính mạng trẻ và giúp trẻ hồi phục tốt hơn. Sau đây là các bước sơ cứu trẻ bị đuối nước:
- Đưa trẻ ra khỏi nước
- Gọi trợ giúp, nếu có những người khác xung quanh, đồng thời gọi cấp cứu 115
- Trong khi đợi cấp cứu, kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không. Kiếm tra bằng cách: Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ. Bạn có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của bạn không? Nhìn xem lồng ngực của trẻ có di động không? (Thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể gọi tên của đứa trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.
- Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu CPR (hồi sức tim phổi):
Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng.
Nếu bạn nghi ngờ chấn thương cổ hoặc đầu, hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng.
Nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để cho đường thở được thông thoáng. Nếu bạn nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Đối với em bé, hãy cẩn thận không ngửa đầu ra sau quá nhiều.
Khi thổi ngạt: Với trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi của trẻ và đưa miệng của bạn qua miệng của đứa trẻ. Thổi vào miệng trẻ trong một giây: Ngực của trẻ sẽ phồng lên khi bạn làm điều này. Lặp lại hơi thở lần thứ hai.
Bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực: Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối hai núm vú. Sử dụng mu bàn tay của bạn để ép tim. Nhanh chóng ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau và sau đó giải phóng áp lực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút. Hãy để ngực nở ra hoàn toàn giữa các lần ép tim. Nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu: Hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt hai lần. Nếu có hai người cấp cứu: Hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt hai lần.
Cứ sau mỗi hai phút, cần kiểm trẻ xem trẻ có mạch không, có thở không. Nếu trẻ không thở, hãy tiếp tục ép tim đến khi cấp cứu 115 đến.
Phạm Linh