Bệnh nhi là con đầu của một thai phụ 21 tuổi. Khi mang thai đến tháng thứ tư, người mẹ siêu âm và phát hiện con mang bướu nhưng không nỡ bỏ bé. Khối u vì thế cứ lớn dần cùng với thai nhi.
Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), do cơ thể mang bướu to nên bé được các bác sĩ áp dụng biện pháp sinh mổ. "Dù đã theo dõi từ khi còn là bào thai, chúng tôi vẫn bất ngờ khi thấy khối bướu quá to ôm trọn thân bên trái sau khi bé chào đời. Bé được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa Nhi để theo dõi", một bác sĩ nói.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, qua các chẩn đoán, các bác sĩ xác định khối bướu khủng trên người bé gái thuộc dạng bướu dị dạng mạch máu hỗn hợp, bên trong có nhiều khối bướu nhỏ nằm đan xen các lớp cơ ngực. Tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, thường gặp ở cổ.
"Do bướu quá lớn, dạng dị dạng mạch máu nên chúng tôi lo ngại mất máu không thể bù kịp nếu mổ. Ngoài ra, bé không đủ da để ghép lại sau mổ. Bướu cũng đã bị nhiễm trùng, lại xâm hại vào đám rối thần kinh vận động tay trái, khả năng liệt tay là rất cao", thạc sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc bệnh viện, nói.
Sau nhiều lần hội chẩn và được sự đồng thuận của gia đình, các bác sĩ quyết tâm phẫu thuật tách bướu khi bé tròn 20 ngày tuổi. "Ca mổ kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ là cả thời gian cân não bởi khả năng mất máu ồ ạt là rất cao. May mắn, mọi thứ đều thuận lợi", bác sĩ Hiếu nói.
Đến chiều 1/11, tức sau 5 ngày phẫu thuật, bé đã được đưa đến khoa Sơ sinh với tình trạng sức khỏe ổn định. Phần cơ thể sau khi được ghép da đã bắt đầu lành lặn. "Đây là trường hợp trẻ sơ sinh mang bướu dị dạng mạch máu hỗn hợp lớn nhất mà Việt Nam từng ghi nhận. Trên thế giới, số ca mắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Hiếu cho biết.