Mẹ bé Thùy Vi cho rằng đó là những thay đổi rất tích cực sau một thời gian chị cho bé đến học lớp kỹ năng ứng xử. Cùng học với bé Vy còn có Minh, con chị Yến, ở cùng khu tập thể Lê Thánh Tông, Hà Nội. Mấy hôm trước, khi chị Yến vừa dập máy điện thoại sau hơn chục phút buôn dưa lê với cô bạn thân, cu Minh từ trong phòng đi ra đứng trước mặt mẹ nói một cách rất nghiêm túc: "Mẹ, sao mẹ nói chuyện điện thoại mất lịch sự thế? Sao mẹ cứ mày tao với cô ấy, lại còn nói tục nữa!".
Chị Yến ngượng đỏ hết cả mặt trước những lời bình phẩm của con trai 6 tuổi. Chị đành ậm ừ chữa thẹn: "À, mẹ và cô ấy thân nhau nên nói như thế được mà!". Cu Minh cự lại luôn: "Thân nhau cũng không được nói bậy. Cô giáo con bảo nói chuyện điện thoại phải lịch sự, có văn hoá". Biết là không thể dùng lý do nào để lấp liếm chuyện này, chị Yến đành nhận lỗi: "Đúng rồi, mẹ sai rồi, cho mẹ xin lỗi. Lần sau mẹ không nói thế nữa!". Cu Minh rất bằng lòng với lời xin lỗi ấy, cười rồi sà vào lòng mẹ nũng nịu.
Phản ứng của cậu con trai khiến chị Yến suy nghĩ rất nhiều. Từ sau khi cu Minh học lớp ứng xử về, thi thoảng cậu lại nói những câu khiến cả nhà bất ngờ.
Chị nhận ra từ trước đến nay, những người lớn trong nhà không hề để ý đến cách ăn nói trước mặt trẻ con. Nhiều lần thấy cu Minh lanh chanh ra trả lời điện thoại, nhấc máy lên là cu cậu hét toáng: "Ai gọi đấy? Gặp ai hả", y chang điệu bộ của bà, thế là cả nhà cười ồ... Nếu đầu dây kia có hỏi han gì đó thì cậu bé đực mặt ra, không biết trả lời làm sao, rồi ngượng nghịu quẳng điện thoại cho bố mẹ.
Ở lớp, cu Minh cũng nổi tiếng là "gấu" vì rất hay bắt nạt bạn bè. Cô giáo có phân tích thế nào Minh cũng không bao giờ chịu xin lỗi bạn. Nhiều lần cậu ta còn dỗi cô, về không thèm khoanh tay chào, làm cho bà đi đón ngượng mặt.
Khác hẳn với Minh, bé Thùy Vy ở nhà bên cạnh đã học lớp 2 mà tính tình vẫn vô cùng nhút nhát. Gặp bất cứ người lạ nào, cô bé cũng co rúm người lại, nép chặt sau lưng bố mẹ. Trước khi đưa con đi đến chơi những chỗ đông người, mẹ bé Vi mất cả tiếng đồng hồ giảng giải về cách chào hỏi, thưa gửi cho con nhưng cứ đến lúc giáp mặt ngưồi khác là bé lại nín bặt. Mẹ bé Vy bực quá, nói lớn tiếng là bé bật khóc. Ở lớp, Vy cũng thui thủi, không mấy khi kết bạn với ai. Dần dần, bố mẹ không muốn cho bé Vy đi đâu nữa vì tính nhút nhát của con. Quanh quẩn ở nhà, cô bé càng trở nên chậm chạp, ít nói và khép kín.
Nghe nhiều người mách, chị Yến rủ mẹ bé Thùy Vy cho hai đứa đi học một lớp ứng xử trong thời gian nghỉ hè ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Lớp mới mở khoá đầu tiên nhưng đã có đến 180 em đăng ký. Mỗi tuần 2 buổi tối, hai bà mẹ chở con đến lớp, có khi ngồi luôn tại lớp xem các con vừa chơi, vừa học, hết một tiếng rưỡi lại chở con về.
Chị Yến tâm sự: "Đưa con đi học thế này mới biết hoá ra mình chỉ có tình yêu thương mà không có phương pháp thì cũng không thể dạy con trở thành một đứa trẻ có kỹ năng sống tốt được. Con tôi sau một tháng tham gia học ứng xử, cháu bắt đầu có những thay đổi tích cực, thậm chí còn để ý bắt lỗi người lớn nữa".
Các bé dùng micro để trình bày suy nghĩ của mình - điều này giúp trẻ dạn dĩ, tự tin hơn. |
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng bộ môn Nữ công, Cung Thiếu nhi Hà Nội, người đề xuất ý tưởng và trực tiếp xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng ứng xử cho thiếu nhi, cho biết: "Tôi thấy trẻ em bây giờ ngày càng mất tự tin vì bị áp đặt quá nhiều, cả ở nhà và ở trường học. Người lớn dạy trẻ những gì mà họ cho là cần thiết chứ không mấy người thực sự biết những điều đó có phù hợp với chúng hay không. Điều này tạo nên thói quen thụ động trong tư duy của trẻ, khiến chúng không có phản xạ tốt trong ứng xử. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ dù đã học rồi vẫn cư xử như mới lên 3: không biết chủ động chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, chia sẻ tình cảm, trả lời điện thoại và không biết thuyết phục cũng như nói lên suy nghĩ của mình... Những kỹ năng ứng xử ấy tuy đơn giản nhưng nó rất có ích cho việc hình thành nhân cách, phát triển tâm lý và sự tự tin của trẻ".
Khoá học dành cho các em lứa tuổi tiểu học giúp em giải quyết 18 tình huống đời thường mà lứa tuổi các em có thể gặp phải như cách chào hỏi, cách xưng hô, đối xử với bạn bè, cách nói chuyện với người lạ, trả lời điện thoại hay thể hiện bản thân... Các buổi học được tổ chức giống như một sân chơi, trong đó, các em được khuyến khích giao lưu, thực hành với nhau.
Trong chương trình có một trò mà các em rất thích là Tập làm MC. Các em sẽ được gặp các anh, chị MC nổi tiếng trên truyền hình, cùng chơi và học sự tự tin, cách giao tiếp từ những MC chuyên nghiệp...
Theo chị Minh Nguyệt, chương trình đào tạo đang trong thời gian thử nghiệm. Chị và các nhà tâm lý sư phạm thuộc Viện Tâm lý Việt Nam đều thống nhất rằng cách giáo dục hiệu quả nhất đối với các bé lứa tuổi tiểu học là phải tạo sân chơi và khuyến khích bé nói lên những suy nghĩ của mình, từ đó phát huy tính tự tin, sáng tạo của trẻ. Ví dụ, trong một buổi học, các cô giáo đưa ra một chủ đề: "Thời trang" và bảo các con nói lên suy nghĩ của mình về chủ đề này. Các cô bé, cậu bé tranh nhau đứng lên trước lớp phát biểu. Tất cả các ý kiến của các em, dù ngô nghê, ngộ nghĩnh hay... không thể hiểu nổi cũng được hoan nghênh. Các cô sau đó sẽ tỉ mỉ dạy các con cách sắp xếp các câu nói sao cho "có đầu có đuôi", mạch lạc, logic... thực chất là một cách luyện "văn nói".
|
Một ví dụ khác: các cô đưa ra tình huống: Bài tập viết của con đáng lẽ được 10 điểm, nhưng cô giáo chấm được 9. Con phát hiện ra chỗ cô giáo nhầm. Con sẽ làm thế nào để cô biết điều đó?". Nhiều bé nói được rằng con rất buồn, con rất chán, nhiều bé nói sẽ khóc... về mách mẹ. Ở tình huống này, theo cô Minh Nguyệt, các cô sẽ từng bước một gợi ý cho các bé cách trình bày câu chuyện và thuyết phục cô giáo về sự nhầm lẫn, từ đó cô sẽ chấm điểm lại và công sức các em bỏ ra trong bài thi được đánh giá đúng. Qua những kinh nghiệm như thế, các em sẽ chững chạc, tự tin hơn rất nhiều...
Trong vòng mấy năm gần đây, có khá nhiều các lớp dạy kỹ năng sống cho người trưởng thành khai giảng ở Hà Nội và TP HCM, nhưng lớp dành cho trẻ em thì vẫn đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến một số chương trình đang được triển khai như Fastrackids, Marple-Bear, John Robert Power... Một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng mô hình giáo dục này là Trường Anh ngữ Citysmart (quận 3, TP HCM). Bên cạnh chuyên môn đào tạo ngoại ngữ, trường còn được nhiều vị phụ huynh biết đến vì chương trình: "Làm giàu kiến thức cho những nhà lãnh đạo tương lai - Fastrackids".
Gần hai năm nay, chương trình Fastrackids đã thu hút rất đông học sinh bởi chương trình áp dụng phương pháp giáo dục Mỹ. Anh Henry Nguyen, chuyên viên đào tạo của trường Citysmart cho biết: "Nền giáo dục mầm non của chúng ta còn nhiều bất cập, thụ động và áp đặt. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy não bộ của trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học phát triển rất mạnh mẽ, là thời điểm quan trọng để hình thành chức năng phát ngôn ngữ, giao tiếp và tư duy logic, định hướng không gian... Bởi vậy, đây là thời điểm thích hợp để khơi dậy những khả năng tiềm ẩn trong các bé thông qua việc tạo hứng thú cho bé học tập".
Chương trình đào tạo của Citysmart hướng tới các bé 3-8 tuổi, chia làm 12 mảng kiến thức mà các chuyên viên ở đây thường gọi là 12 module, bao gồm: Văn học sáng tác, toán học, sinh học, thiên văn học, kinh tế học, khoa học sáng tạo, khoa học tự nhiên, khoa học trái đất, khoa học công nghệ, diễn thuyết kịch nghệ và nghệ thuật, thông tin liên lạc, thiết lập mục tiêu và những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.
Các em học sinh trường Citysmart đang học một giờ học Thiết lập mục tiêu và những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, nhấn mạnh kỹ năng làm việc theo nhóm. |
Anh Henry cũng cho biết: "Hầu hết mọi người lần đầu nghe thấy những môn học này đều cảm thấy ngợp vì không ai nghĩ rằng bọn trẻ 3-5 tuổi có thể tiếp thu được những kiến thức nghe có vẻ to tát này. Tuy nhiên, thực tế thì những kiến thức trong các lĩnh vực này đều được lựa chọn và truyền tải đến các em một cách rất nhẹ nhàng, thú vị, phù hợp với lứa tuổi. Những kiến thức này giúp các em có một cái nhìn toàn diện và mới mẻ về cuộc sống và thế giới xung quanh, kích thích các em tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Có thể hiểu đây là một chương trình không chỉ dạy trẻ phát triển vốn kiến thức phổ thông mà mục đích quan trọng hơn là xây dựng và phát triển cho trẻ về cá tính, nhân cách để trẻ tự tin hơn, dạn dĩ hơn, thông minh, sáng tạo hơn và có khả năng học tập tốt hơn các trẻ khác để gặt hái được nhiều thành công hơn trong tương lai lâu dài".
Các bé sẽ được học qua màn hình cảm ứng SmartBoard (bé có thể dùng tay để chỉ vào những hình ảnh đầy màu sắc trên mặt bảng), máy chiếu video, máy quay DVD, máy tính nối mạng ADSL, hệ thống âm thanh, ánh sáng, micro và nhiều giáo cụ phong phú khác. Các em được khuyến khích sử dụng micro trong lớp khi chia sẻ ý kiến và cảm giác của mình trong lớp, được làm nhiều thí nghiệm để có được tính quan sát, suy nghĩ logic, suy luận tốt hơn, hiểu vấn đề dễ dàng hơn và nhớ lâu hơn. Các hoạt động trong lớp sẽ được quay phim và tạo "live show" trên màn hình cảm ứng làm cho các em rất thích thú. Hoạt động này không chỉ giúp trẻ trở nên tự tin hơn mà còn giúp trẻ có khả năng tự đánh giá mình, biết sắp xếp các suy nghĩ trước khi nói, nói câu đầy đủ hơn và hoàn thiện thái độ khi đứng trước công chúng
Theo anh Henry, trong số những em học sinh của trường có những em rất thông minh, độc lập nhưng bên cạnh đó lại có những khía cạnh nhân cách khiến bố mẹ em lo ngại như không chịu hoà đồng, không biết quan tâm và chia sẻ. Sau khi được bố mẹ gửi đến học lớp đào tạo kỹ năng sống, cậu bé đã dần dần biết cách thiết lập các mối quan hệ với các bạn khác, biết nhờ các bạn giúp đỡ và sẵn lòng giúp bạn nhưng vẫn giữ được tính độc lập của mình.
Hầu hết các lớp đào tạo kỹ năng sống hiện đều có mục tiêu là dạy trẻ biết cư xử đúng trong từng tình huống cụ thể, biết mình là ai, mình cần gì, ý nghĩa của gia đình và bạn bè, trách nhiệm của bản thân và cao hơn là biết đề ra mục tiêu trong cuộc sống.
Theo cô Minh Nguyệt, chương trình học ứng xử ở Cung thiếu nhi Hà Nội hiện nay hoàn toàn là giáo trình "nội địa" nên rất chú trọng phát triển những đặc điểm nhân cách theo văn hoá Việt Nam như lòng nhân ái, lễ độ, tính hiếu thảo... Đây cũng là một yếu tố mà các chương trình "ngoại nhập" đang tích hợp để giáo dục các em toàn diện hơn, bên cạnh những kỹ năng sống mang tính thực tiễn và thích hợp với trẻ nhỏ như làm quen với các công nghệ gia dụng, máy tính, điện thoại...
Ý kiến của một số chuyên gia tâm lý và các nhà sư phạm nổi tiếng về vai trò của giáo dục đối với lứa tuổi mầm non. "Tại sao lại khó có thể làm cho người ta hiểu được tầm quan trọng của những năm đầu đời của trẻ đến thế? Trước hết, vì chúng ta cho rằng trẻ chưa biết tư duy, mãi cho tới khi chúng 5 tuổi hoặc 7 tuổi. Hơn nữa, nhiều người còn cho rằng các chương trình thiết kế dành cho trẻ em dưới 5 tuổi chỉ là để "giữ trẻ" chứ không phải để "dạy trẻ". Thậm chí vẫn còn có quan niệm sai lệch cho rằng ta chỉ phải chăm sóc trẻ chứ không cần lắng nghe", Jan Bushing, Trưởng khoa Sư phạm ĐH Tennessee, Mỹ.
"Từ khi còn là bào thai đến khi 4 tuổi, trẻ em phát triển 50% trí thông minh, từ 4 đến 5 tuổi phát triển thêm 30% nữa. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng rất to lớn của môi trường sống đến sự phát triển nhannh chóng của trí thông minh ở trẻ vào những năm đầu đời", Tiến sĩ Bergiamin Bloom, Giáo sư ĐH Chicago. "Thời điểm mà não bộ dễ bị tác động nhất là từ khi trẻ còn trong bụng mẹ cho đến khi học mẫu giáo. Môi trường và những gì trẻ trải qua có thể ảnh hưởng rất sâu sắc đến cấu trúc và chức năng của não bộ đến nỗi từ 5 tuổi trở đi, trẻ không thể sửa đổi được", Craig Ramey, giáo sư tâm lý và sức khoẻ ĐH Georgetown. |
Khôi Nguyên