"Em Bình của cháu đã bị cổng |
Trưa 20/11, hai cháu bé bịt khăn tang trên đầu là anh em bà con với cháu Bình mới chết, đưa PV Lao Động đến ngôi trường. Ngôi trường khá to, đẹp, ghi dòng chữ rất to "Trường Mầm non xã Tân Lập - Chương trình 135". Tại đây, nhiều người dân trong huyện, phần đông là người già, lục tục kéo nhau về xem "hiện trường" nơi cháu bé bị cổng trường đè chết. Họ nói nghe tin dữ này nên quá lo lắng cho cháu chắt, phải đi coi cho biết sự tình để còn đề phòng.
Bác Hảo, một phụ nữ đã lớn tuổi, bán quán ngay trước cổng trường, vừa nói vừa thở hổn hển: "Tui đang ngồi trong nhà, nghe một cái rầm. Chết rồi, cổng sập rồi! Tui không dám ra, dưng tui nghe thấy người kêu la rất dữ. May răng các cháu về gần hết rồi, cả trăm con nít trong trường đó chớ có ít mô...".
Tại trường, cánh cổng sắt dài 4,5m, cao 1,9m làm bằng sắt sườn ống nước phi 50 dày 1 ly, đã được dẹp nằm một bên. Chúng tôi phải nhờ người cùng bưng dựng lại ngay trước cổng để chụp ảnh. Rất nặng. Đúng là "may mà chỉ một cháu". Nếu nó sập trước đó 5-10 phút, thì không biết sẽ có bao nhiêu cháu...?
Tại nơi làm việc của chính quyền xã Tân Lập, Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Khánh cho biết: Vào lúc 16h45 ngày 18/11, lúc tan trường, các cháu đã được cha mẹ đón gần hết, chỉ còn lại 3-4 cháu, cháu Lê Xuân Bình ra cổng, vịn tay vào cổng và có khả năng trèo lên cổng; nghe tiếng cổng sập các cô chạy ra, cháu Bình bị đè dưới cánh cổng... máu chảy rất nhiều. Cháu bị chết tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị lúc 21h30 cùng ngày. Chiều 19/11, anh Long, cán bộ điều tra CA huyện có về làm việc tại xã, với CA xã, gia đình cháu bé và nhà trường.
Ông nội của cháu Bình, bác Lê Xuân Minh, nói trong nước mắt nghẹn ngào: "Cháu Bình là cháu nội trai độc nhất của gia đình tôi. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ sự việc, nguyên nhân trách nhiệm thuộc về ai, từ khâu thiết kế cho đến thi công, giám sát, nghiệm thu, sử dụng ngôi trường!".
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, ông Phạm Lự lật hồ sơ về ngôi trường: Trường được xây dựng từ vốn Chương trình 135, số vốn đầu tư 400 triệu đồng. Riêng dự án sân, tường rào, cổng trường có kinh phí đầu tư 150 triệu đồng, do công ty tư vấn thiết kế xây dựng Quảng Trị lập thiết kế dự toán tháng 2; công ty TNHH xây dựng Minh Tiến được chỉ định thầu thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 9.
Theo ông Lự, cổng kéo loại lớn, dài, nặng thế này mà chỉ làm một đường ray là điều không hợp lý. Các cổng cùng loại thế này thường có chân, 2 rulô (bánh xe) chạy trên 2 đường ray, trường hợp bị trật ra tự nó vẫn đứng được, như cổng ngân hàng huyện, công an huyện cũng có chân đứng và chạy trên 2 đường ray, các nơi ấy toàn người lớn cả mà người ta cũng làm rất chắc chắn. Tang vật tại hiện trường, ngoài cánh cổng ra, CA xã chỉ thu giữ được 2 con bùloong. "Chốt con lăn, bánh xe phía trên của cổng không có tại hiện trường", Trưởng CA xã Nguyễn Văn Khánh khẳng định.
Cũng với câu hỏi như trên, tại trụ sở công ty TNHH xây dựng Minh Tiến (đường 14, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị), ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc công ty, nói: "Chúng tôi thi công đúng theo bản vẽ thiết kế". Hỏi: "Đối với những cánh cổng loại này, thường người ta chôn thêm một vòng sắt chữ U bên ngoài thanh chạy rulô nữa để bảo vệ và phòng hộ. Tại sao cổng này không có?". Trả lời: "Trong bản vẽ không có".
Một số người dân địa phương nói rằng, trước mắt họ phải cho con em nghỉ học để bình tâm lại đã, và yêu cầu các cơ quan hữu quan sớm có kết luận nguyên nhân sập cổng trường, để họ thực sự yên tâm về sự an toàn tính mạng khi gửi con đến trường; và ngoài chiếc cổng sắt tự sập đè chết cháu Bình này ra, những bộ phận khác của cổng, trường, phòng học có thật sự đảm bảo không xảy ra những sự cố tương tự?