Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), gia đình cho các bác sĩ biết, sự việc xảy ra trong lúc mẹ bé bận việc không để mắt đến: "Khi chúng tôi nhìn thấy thì bé đã nôn ói, bên cạnh đó, chai thuốc diệt cỏ vẫn còn mở nắp". Cũng theo phụ huynh, chai thuốc được dùng để phục vụ cho việc đồng áng của gia đình.
Sáng 11/2, các bác sĩ cho biết bệnh nhi vẫn đang được theo dõi chặt chẽ các biểu hiện viêm phổi, xơ phổi, suy gan thận có thể xảy ra do thuốc diệt cỏ. "Sau hơn 3 ngày điều trị, sức khỏe bé tạm ổn nhưng còn viêm phổi nặng. Đặc biệt với ngộ độc thuốc diệt cỏ, diễn tiến có thể thay đổi bất ngờ khó lường trước", một bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ, loại thuốc diệt cỏ Paraquat mà bé uống là loại thuốc cực độc, bệnh nhân có thể tử vong nếu nhập viện muộn dù uống lượng nhỏ. "Ở trường hợp này, có lẽ bé nhầm đó là nước uống", một bác sĩ nói
Đây không phải là lần đầu các bác sĩ tiếp nhận trẻ ngộ độc vì ăn uống nhầm.
Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã cứu chữa nhưng vẫn không thể giúp cải thiện tình trạng bỏng thực quản của một bé trai ở Rạch Giá. Nguyên nhân của tai nạn là do mẹ bé nhặt ve chai, bé thấy trong đống ve chai của mẹ có chai nước ngọt thì mở nắp uống nhưng không ngờ bên trong là axit.
Một trường hợp khác, khoảng một năm trước, thấy vỉ thuốc nằm trong đống quần áo của những người làm từ thiện vừa đến tặng, đám trẻ của một mái ấm ở tỉnh Bình Dương nghĩ là kẹo nên bóc ăn và bị lên cơn sốc.
Cả 4 trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM trong tình trạng mê man. Hai bé trai và hai bé gái từ 5 đến 7 tuổi trụy hô hấp và tim mạch. Các bệnh nhi lập tức được hỗ trợ hô hấp song song với súc rửa đường tiêu hóa. Nguyên nhân được xác định do sốc thuốc chống động kinh. "Tụi con tưởng đó là kẹo nên lấy ăn", một trong số các bé cho biết.
Năm 2011, hàng chục trẻ em độ 2-3 tuổi học trường mầm non ở Bình Dương cũng đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói. Nhà trường thừa nhận các bé đã rủ nhau uống nước mà không biết loại nước nằm trong bình chính là hóa chất diệt khuẩn dùng để lau sàn. May mắn, tai nạn tập thể không khiến bệnh nhi nào tử vong.
Trước đó một năm, một cậu bé khác ở TP HCM được đưa vào viện trong tình trạng toàn thân tím tái, khó thở, suy hô hấp nặng vì đường hô hấp, tiêu hóa bị nhiễm độc dầu hỏa. Người nhà cho biết, bố bé làm thợ kim hoàn, ông chứa axit dùng trong công việc vào chai trà xanh và để ở góc nhà. Bé tưởng là chai nước ngọt, lấy lên uống liền và ngay lập tức có những biểu hiện như nôn ói, ho sặc sụa rồi khó thở.
Khẳng định đây là tai nạn nguy hiểm có thể gây tử vong, các bác sĩ khuyên những gia đình có trẻ nhỏ phải cất thật kỹ các loại thuốc chữa bệnh (nhất là loại thuốc có hình thức bắt mắt). Tuyệt đối không chứa những loại hóa chất độc hại trong vỏ chai từng chứa thực phẩm như nước chai nước ngọt, chai trà xanh.. vì trẻ rất dễ nhầm. Tốt nhất là cho hóa chất vào tủ có khóa cẩn thận.
Trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất, cách tốt nhất là rửa nhanh vùng miệng, cho trẻ uống nước, dùng tay móc họng cho trẻ nôn và lập tức đưa đến bệnh viện.
Thiên Chương