Cô bé Jamlo Madkam làm thuê trên cánh đồng ớt ở làng Perur, phía nam bang Telengana. Lệnh phong tỏa toàn Ấn Độ dự kiến kết thúc vào 14/4 nhưng đã được kéo dài đến tháng 5.
Ngày 15/4, Madkam và 11 người khác, trong đó có anh rể cô bé, bắt đầu hành trình về quê nhà ở bang Chattisgarh, miền trung Ấn Độ, vì ở lại cũng không có việc làm và chưa biết bao giờ phong tỏa mới kết thúc. Tuy nhiên, họ phải đi bộ vì các phương tiện giao thông ngừng hoạt động và họ cũng không muốn bị cảnh sát bắt vì chống lệnh cách ly xã hội.
Ba ngày sau, ngay trước khi về đến nhà, cô bé đã qua đời.
"Họ đi bộ xuyên qua các ngọn núi trong ba ngày để tránh chốt cảnh sát. Jamlo đã không ăn bất cứ thứ gì sáng hôm đó vì đau bụng và bị nôn. Chúng tôi nghi rằng mất cân bằng điện giải và kiệt sức là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô bé", bác sĩ B. R. Pujari, người đứng đầu cơ quan y tế nơi Madkam sống, cho biết.
11 người còn lại hiện đã được cách ly tại một cơ sở trong 14 ngày và sẽ được xét nghiệm nCoV. Báo cáo khám nghiệm cho biết Madkam không nhiễm nCoV.
Lệnh phong tỏa trên toàn Ấn Độ được áp dụng từ 25/3 và sẽ kéo dài đến tháng 5. Khi lệnh có hiệu lực, hàng triệu công nhân Ấn Độ lao động tại các thành phố đã chọn cách đi bộ về nhà vì rơi vào cảnh thất nghiệp và phương tiện công cộng không hoạt động.
Hiện Ấn Độ ghi nhận 20.080 ca nhiễm, trong đó 645 trường hợp tử vong. Nhiều chuyên gia cho rằng đất nước tỷ dân này có thể "thất thủ" trước Covid-19 bởi những khu ổ chuột đông đúc ở các đô thị lớn khiến dịch bệnh dễ lây lan. Trong đó, khu ổ chuột lớn nhất châu Á Dharavi ở Mumbai - thành phố đông dân nhất Ấn Độ - được xem là nơi dễ tổn thương nhất bởi mật độ dân số cao và điều kiện vệ sinh kém.
Sơn Nam (Theo CNN)