Hai giờ chiều chủ nhật 26/9, Long nhìn ra biển mừng rỡ: "Bắt đầu có sóng bạc đầu". Mấy gương mặt trong nhóm Vietwings bỗng rạng rỡ. Biển nổi sóng đồng nghĩa với trời nổi gió. Ai nấy hăm hở lên xe ra đồi cát. Họ đã vượt 500 km trong hai ngày qua để săn gió.
Bốn mươi phút sau, Long, Tuấn và Jim Reynolds - HLV diều người Mỹ - đã có mặt trên đỉnh đồi. Gió bắt đầu mạnh dần. Trải dù ra mặt đất, Tuấn và Long cẩn thận thắt dây giày, buộc đai, đeo mũ bảo hiểm. Đứng quay lưng ra biển, Tuấn nhắp nhắp các nhóm dây, rồi giật tay một cách dứt khoát. Gió thốc qua các miệng hứng gió, dựng dù thẳng đứng. Sau cú xoay người 180 độ, Tuấn đổ người song song mặt đất và bắt đầu chạy hướng ra biển. Tới mép đồi, anh lao người tới. Người anh lơ lửng dưới cánh dù đỏ thắm. Anh đang bắt đầu cuộc phiêu lưu dưới cánh dù.
Mười lăm phút sau, Long "cất cánh". Động tác xuất phát của anh dũng mãnh, thang thoát như chim đại bàng. Chính vì vậy mà anh được gọi là Long "Đại bàng". Chiếc dù xanh của con đại bàng ấy lượn trên nền trời xanh, bắt nhịp với chiếc dù đỏ của Tuấn "Hải âu".
Chỉ ít phút sau khi "Đại bàng" cất cánh, Jim Reynolds cũng chuẩn bị xuất phát trên con diều delta. So với dù, bay bằng diều phức tạp hơn vì phải mất thời gian chuẩn bị, lắp khung, gắn cánh. Trong bộ quần áo liền trùm đầu, Jim trông như một con kén trong tổ. Nhìn hướng gió, ông nâng khung diều, Lân "Cán quéo" tay cầm hai dây chính chạy phụ trợ để nâng diều. Đến sườn dốc, Jim nhún người lao thẳng vào khoảng không. Cánh diều delta màu nõn chuối lao vút vào không gian. Hai tay Jim bám chặt thanh ngang, thân hình ông song song với mặt đất. Con diều delta bắt đầu lượn một vòng trên đồi để lấy độ cao.
"So với dù, diều xuất phát hơi phức tạp nhưng khi bay lên rồi thì tuyệt vời", Lân giải thích. "Diều có thể bay khi gió mạnh, còn dù thì không". Miệng nói, nhưng mắt Lân dõi theo không bỏ sót một động tác nào của bộ ba trên trời. "Hiếm khi anh được chứng kiến cảnh diều và dù kết hợp như hôm nay", Lân thốt lên.
Gió tiếp tục thổi mạnh từ ngoài biển vào. Những đám mây đen phía tây bắt đầu tụ lại. Trong cuộc phiêu du theo hướng bắc - nam của hai cánh dù đỏ, xanh, đã xen lẫn những cú lắc ngang theo hướng đông - tây. "Anh Long và anh Tuấn đang biểu diễn swing", Lân giải thích. Trên cao, Jim đang thanh thoát phô diễn nghệ thuật điều khiển diều. Cánh diều màu nõn chuối vẽ một vòng tròn trên nền mây trắng. Khi lượn tròn, khi lao thẳng, lúc lên cao, lúc sà xuống thấp, Jim như một nghệ sĩ xiếc đang trình bày những kỹ thuật phức tạp của bộ môn diều (hang gliding), bởi ông là người phụ trách một trường dạy bay diều ở Mỹ. Có lúc Jim duỗi người song song với mặt đất. Khi thì ông đu người, đặt chân lên thanh ngang điều khiển.
Sau 90 phút, cuộc Long Vân tụ hội của dù và diều kết thúc bằng các động tác tiếp đất hoàn hảo của ba người. Long chọn chỗ đáp gần bãi biển và lượn dù chung quanh để hạ thấp độ cao. Tuấn đáp khẩn cấp bằng cách kéo gấp hai mép dù để hạ thẳng đứng. Còn Jim sau mấy cú lượn đảo người, cánh diều sà thấp rồi nhẹ nhàng đáp ngay gần mép nước. Chỉ số trong Bario, thiết bị đo gió, cao độ của Long hiển thị con số 165 m. "Trong lúc bay, mình đã đạt độ cao này", Long giải thích.
Bay từ Lang Biang, bay ra Phan Thiết
Chín mươi phút bay của diều và dù kể trên là một sự sắp đặt ngẫu nhiên của thiên nhiên. Nói đúng hơn là của gió. Thông thường, mùa gió tây nam bắt đầu từ tháng 5 kéo dài cho hết tháng 10, còn đông bắc thì từ tháng 10 đến tháng 4. Mùa gió đông nam, dân chơi dù tụ hội ở đỉnh Lang Biang (Đà Lạt). Còn mùa đông bắc, họ gặp nhau trên đồi cát Hòn Rơm, Mũi Né. Giống như loài chim di trú, họ di chuyển theo mùa gió. "Tụi em tính thời gian theo mùa gió mà anh", cô bé Linh, hoa hậu của nhóm nhảy dù, giải thích, sau khi cho PV Cẩm Nang Tiêu Dùng biết đã gắn bó với môn nhảy dù được một mùa gió.
Nhóm lên đỉnh Lang Biang từ ngày thứ bảy gồm HLV Long cùng các học viên Thành, Linh và Marx, quốc tịch Pháp. Trong nhóm chỉ có một bóng hồng duy nhất là Linh, người đang làm việc trong ngành thiết kế mỹ thuật. Rời TP HCM từ tối thứ sáu, nghỉ ngơi được 5 tiếng tại một khách sạn ở Đà Lạt, nhóm của Long trực chỉ đỉnh Lang Biang. Sau khi khảo sát hướng gió, Long quyết định chọn điểm xuất phát ở sườn đông. Vừa chuẩn bị dù, vừa mang đồ bay, Long tranh thủ hướng dẫn cho Marx các thao tác cần thiết trước khi bay, từ cách buộc dây giày, đeo đai, đội mũ bảo hiểm. Đúng 10h30, đồng hồ đo gió chỉ tốc độ tối đa 2 m/giây. "Với dân dù, tốc độ gió vào khoảng 3-6 m/giây là đẹp", Long nói.
Lúc 11h, tốc độ gió vẫn dừng ở con số 2. Long quyết định chuyển sang vị trí khác. Anh trải dù, kiểm tra dây, khoác túi bay vào lưng. Thành bước xuống sườn đồi, tay cầm đồng hồ đo gió. Mắt chăm chú nhìn đồng hồ, 3 ngón tay anh giơ lên báo hiệu tốc độ gió là 3 m/giây. Mọi người căng thẳng chờ Long ra hiệu. "Bung!", Long hô to sau khi Bario phát ra tiếng kêu báo hiệu thời điểm thuận lợi để xuất phát. Anh giật dây cho cánh dù xốc lên đón gió. Mấy lần liền dù dựng lên thẳng đứng rồi lại rũ xuống vì gió lặng hay đổi hướng đột ngột.
Một lần, hai lần, ba lần xuất phát không thành khiến mọi thành viên trong nhóm trở nên lặng lẽ. Lại đi khảo sát, lại đợi tín hiệu từ Bario. Khát khao bay không thành để lại dấu ấn lặng buồn lồ lộ trên khuôn mặt mỗi người. "Năm nay gió mùa đông bắc về sớm", Long quả quyết. "Bay!", Long ra lệnh để cả nhóm chất đồ lên xe Land Cruiser rời Lang Biang.
Cảm giác của sự tự do Nếu là người mới đến với môn dù lượn, hẳn bạn cảm thấy có một mối nguy hiểm nào đó khi lao người vào khoảng không từ một sườn dốc. Nhưng với người đã chơi dù lượn, cảm nhận đó hoàn toàn không có cơ sở. "Thậm chí nó còn an toàn hơn khi bạn chạy xe ngoài đường!", Stephane Bulkaen khẳng định. Là một trong hai người Pháp đưa môn nhảy dù lượn vào Việt Nam, Stephane cho biết không khó lắm để đến với môn thể thao mạo hiểm này. Chỉ cần có sức khỏe tốt (để có thể mang dù nặng leo lên núi hoặc sườn dốc cao) và có người hướng dẫn bay. Nếu không có đủ khả năng tài chính để tự sắm dù thì bạn có thể thuê lại. Khi được hỏi cảm giác lúc lơ lửng trên bầu trời cao, Stephane trả lời sau một thoáng suy nghĩ: "Sự tự do. Người chơi dù lượn trước tên là vì niềm vui của riêng mình". Stephane từng nhảy dù lượn ở Đà Lạt (Lang Biang), Phan Thiết, Tây Ninh (núi Bà Đen) và trường đua Phú Thọ. Anh cho rằng ở Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các môn thể thao cảm giác mạnh như dù lượn hoặc diều lượn, chèo thuyền vượt thác. |
(Còn tiếp)