Còn ở Hà Nội, năm qua phất lên 3 "bầu": Dương Thắng với thương hiệu nhà sách Kiến Thức, Trần Đại Thắng với nhà sách Đông A và thương hiệu Nhã Nam của một nhóm những doanh nhân trẻ xuất thân từ báo chí.
Thắng "Lớn" (Dương Thắng) thường tập trung vào những tác phẩm tri thức và hiện tượng văn học như Vạn Xuân, Từ điển Khaza, Từ Đông sang Tây... Năm qua, chính bầu Thắng "Lớn" là "bà đỡ" cho 2 tác giả là Thuận và Đỗ Hoàng Diệu với hai cuốn sách bán chạy Phố Tàu và Bóng đè.
Trong khi đó, Trần Đại Thắng vốn xuất thân là một họa sĩ đã vẽ bìa hàng trăm đầu sách, đứng ra thành lập thương hiệu sách Đông A và bứt phá với thương hiệu sách Văn mới tập trung hàng loạt những tên tuổi nổi danh trên văn đàn đương đại như: Nguyễn Huy Thiệp, Dương Tường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh..., đồng thời làm "bà đỡ" rất hiệu quả cho những tác giả như: Mạc Can, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang...
Hiện tượng Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh gây bất ngờ và ồn ào ngay trong lần xuất hiện đầu tiên của hệ thống Văn mới và trở thành cuốn sách bán chạy của năm 2005. Nhưng trên hết, không còn nghi ngờ nữa, hiện tượng của ngành xuất bản 20 năm qua đã thuộc về Nhã Nam của bầu Nhật Anh: cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Việc thắng lớn của cuốn sách này đã làm cho giới kinh doanh nhìn nhận rõ ràng, sách bán chạy không cần phải giật gân, câu khách và trong thị trường rất lớn này rất cần người khéo kinh doanh.
Mới đây, Nhã Nam đang o bế cuốn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của tác giả trẻ Đỗ Bích Thúy, một tác giả viết văn có phong vị riêng và bản sắc vùng miền đậm nét giông giống như trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư. Chính họ cũng phải thừa nhận giá như mà Đỗ Bích Thúy gây được ồn ào hơn trên báo chí, chắc chắn cuốn sách này sẽ bán chạy vì chất lượng của nó. Tuy thế, sau khi phát hành nửa năm, chỉ còn chờ đợi vào số phận của bộ phim Chuyện của Pao khi ra mắt khán giả vì đây là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tập truyện này.
Từ khi Công ước Berne bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản có hiệu lực ở Việt Nam, thị trường sách đã có biến chuyển bất ngờ. Số lượng đầu sách giảm hẳn song chất lượng nâng cao rõ rệt từ hình thức đến nội dung kể từ khi việc mua bản quyền từng đầu sách, hợp tác riêng với các tác giả có thương hiệu, cạnh tranh mua sách nước ngoài bán chạy... cho đến việc trình bày cuốn sách đẹp, ấn tượng, tiếp thị cuốn sách một cách tốt nhất.
Chất lượng sách đang trở thành yếu tố cạnh tranh hàng đầu. Chính việc khuyến khích các đơn vị xuất bản, các công ty tư nhân tự bơi trong môi trường cạnh tranh đã đem về cho độc giả nhiều điều lợi nhất bởi chính họ sẽ được lựa chọn nhiều hơn, cập nhật hơn, và có được nhiều tác phẩm giá trị hơn.
(Theo Thanh Niên)