Lần đầu tiên, bầu Đức ngồi ghế trưởng đoàn một đội tuyển. Ông tâm sự mình ngồi thế Trưởng đoàn không phải vì “ham mê mấy cái vị trí này, vị trí kia”. Mục đích của ông đi lần này là động viên tinh thần cho các cầu thủ ở giải đấu lớn. “Thông thường ở Việt Nam, cứ nghe rơi vào bảng đấu có đội mạnh là tinh thần đã xuống, không đá nổi. Tôi muốn tụi nhỏ chơi thoải mái, tự tin, không lùi bước trước những đội bóng được đánh giá cao hơn mình”.
Có ông Đức ngồi trong cabin, chắc chắn toàn đội sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Nhiều thành viên trong U19 không lạ lẫm, thậm chí rất thân thiết với ông Đức. Khi ở học viện, cầu thủ vẫn thường gọi bầu Đức là “ba Đức” bởi ông luôn quan tâm sát sao, xem chuyện tập luyện, học hành của từng người. Ngược lại, ông Đức xem cầu thủ như “báu vật”. Hiểu các cầu thủ nên khi cần, ông luôn xuất hiện đúng lúc để động viên kịp thời dù công việc kinh doanh khiến ông luôn tất bật. Lần xung phong làm Trưởng đoàn này cũng vì lý do đó. Lúc khó khăn, bản lĩnh từng trải của một doanh nhân như ông có thể giúp cho thầy Giôm trong vấn đề vực dậy tâm lý, thổi thêm hưng phấn cho đội bóng.
Mỗi khi có dịp về Hàm Rồng, bầu Đức dành nhiều thời gian để nói chuyện với cầu thủ. Khi còn nhỏ, ông nói với họ về ước mơ, hoài bão. Lớn hơn một chút, ông dạy về cách ứng xử trên sân như không thể hiện thái độ cay cú ăn thua, đá xấu. Còn khi họ trở thành người của công chúng, ông nói về cách vượt qua khó khăn trước luồng thông tin trái chiều. Ông rút tỉa kinh nghiệm từ chính bản thân trên thương trường làm bài học cho cầu thủ.
Là ông bầu từng trải, ông nếm đủ hương vị ngọt đắng từ bóng đá. Vì vậy, ông muốn những cầu thủ ở học viện là những sản phẩm có tài và đức, học hành đầy đủ. Bầu Đức có tiếng ghét tính hình thức. Chuyện học của các cầu thủ là vấn đề ông quan tâm chứ không phải chỉ học để đối phó cho qua mắt phụ huynh, dư luận. Tạo điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất cho các cầu thủ theo đuổi giấc mơ Đại học ngay tại Hàm Rồng thời gian tới nằm trong suy nghĩ đó của ông.
Những người thân quen bầu Đức nói ông rất quan tâm đến chuyện học hành và tương lai nghề nghiệp của cầu thủ về sau. Phó chủ tịch VFF quan niệm cầu thủ cần có một nghề khác ngoài bóng đá để có thể lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Muốn có một nghề, không có cách nào khác là học. Ngay trong chương trình học đại học của U19, ông cũng đề nghị bổ sung những môn “thời thượng” hiện nay như Tiếp thị thể thao, Truyền thông thể thao…
Tương tự như các giải đấu trước, các cầu thủ U19 Việt Nam không trực tiếp nhận tiền thưởng nếu có. Tiền thưởng sẽ chuyển vào sổ tiết kiệm gửi về gia đình các cầu thủ. Cầu thủ có những khoản khác để chi tiêu sinh hoạt và dành thời gian để hoàn thiện chuyên môn trước khi thực sự trưởng thành. U19 Việt Nam cũng không được treo thưởng trước giải đấu. Bầu Đức tuyên bố thẳng: “Khi vào VFF làm việc, tôi nêu quan điểm không treo thưởng. Cần phải xóa bỏ tư duy này. Cầu thủ thi đấu vì màu cờ sắc áo trước chứ không phải vì tiền. Nếu thi đấu tốt, chắc chắn không ai để họ thiệt thòi”.
Một nhân vật bản lĩnh từng trải ngồi trong cabin, bầu Đức chính là “vũ khí bí mật” của U19 Việt Nam.
Ngọc Hà