Khoa giải phẫu bệnh, Bệnh viện Việt Đức nằm trong một toà nhà 3 tầng nối thông với nhà tang lễ của bệnh viện, phía đường Phủ Doãn, Hà Nội. Tại đây có phòng chứa xác, phòng đại thể (mổ xác), làm các xét nghiệm bệnh phẩm, cấp giấy chứng thương, lo cả chuyện tang lễ cho những người bệnh xấu số. Tất cả có thể gói gọn trong một từ "nhà xác". Đầu tiên cơ sở do bác sĩ Trương Cam Cống thành lập, sau này giáo sư Nguyễn Như Bằng kế tục cùng với bộ môn y pháp làm cơ sở hình thành Viện y học tư pháp trung ương ngày nay.
Trong phòng mổ tử thi. |
Bước vào phòng phẫu thuật đại thể phải qua 4 ngăn tủ lạnh chứa xác trông như những cỗ quan tài di động khổng lồ, ánh lên màu kim loại lạnh lẽo. Phòng được trang bị 2 bàn mổ, có điều hòa nhiệt độ. Trong phòng, hai y công đang tiến hành phẫu tích một nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Khoang bụng nạn nhân được mở rộng, khám nghiệm các tổn thương nội tạng như tim, thận, lá lách, gan, phổi, phần xương sọ cũng được phẫu thuật để xác định tổn thương não.
Bác sĩ Đào Văn Tân, Giám định viên pháp y cao cấp, đang xem xét những dấu hiệu bất thường trong phổi của nạn nhân có nguyên nhân do dịch từ dạ dày trào ngược lên phổi gây phù phổi cấp, nạn nhân không thở được và tử vong. Khám nghiệm hộp sọ, não bị tổn thương nghiêm trọng, sọ bị nứt và một mảnh xương cắm sâu trong não. Những tổn thương này sẽ được chụp ảnh và ghi lại trong biên bản giám định tử thi, phục vụ công tác xử lý sau này. Công việc hoàn tất khi những vết mổ này được “may” lại một cách khéo léo trước khi giao cho thân nhân mai táng.
Làm việc tại phòng đại thể còn đỡ vất vả hơn nhiều so với những lần đi khám nghiệm hiện trường. Lúc đó các bác sĩ phải vật lộn với một xác chết đuối lâu ngày, trương phình, không còn hình dạng, hay một cuộc khai quật tử thi xác định lại nguyên nhân cái chết, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc…
Nguyên nhân cái chết là một câu hỏi lớn mà người bác sĩ pháp y phải trăn trở tìm câu trả lời chính xác, trung thực nhất. Mỗi lần khám nghiệm hiện trường là một lần các bác sĩ chiêm nghiệm về sự sống. Nguyên nhân kết thúc một cuộc đời đôi lúc giản đơn đến đau đớn. Có khi chỉ là từ việc vợ chồng cãi nhau, vợ đợi chồng ngủ say liền trả thù bằng cách lấy búa đập vào đầu chồng; hay một người phụ nữ bị tàu hỏa cán qua vì tưởng còi tàu là còi ô tô nên tránh vào đường tàu… "Thương tâm nhất là các vụ tai nạn giao thông, nhiều lúc chúng tôi phải nhặt nhạnh từng mảnh thi thể của nạn nhân", một bác sĩ nói.
Bác sĩ Đặng Văn Quế, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề cứ đinh ninh mãi lời dặn dò của Giáo sư Tôn Thất Tùng khi điều ông về làm việc "Cần phát triển ngành phẫu thuật bệnh vì nó là nền tảng của việc chuẩn đoán bệnh". Mấy chục năm qua, ông âm thầm cùng cơ quan điều tra làm sáng tỏ những câu hỏi từ những tử thi. Có thời kỳ cao điểm, một ngày bác sĩ Quế phải mổ tới 6 xác. Cứ có án là ông đi bất kể đó là ngày nghỉ hay là lễ tết.
Môi trường độc hại, có thể bị các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng... khiến khoa luôn thiếu bác sĩ, kỹ thuật viên kế cận. Ngay cả y công, cũng thường là những người ở nhiều vùng quê nghèo vì cuộc sống mưu sinh mới chấp nhận làm công việc này. Thế nhưng khi được hỏi vì sao ông gắn bó với công việc này, bác sĩ Quế không ngần ngại trả lời "Chúng tôi nói lên tiếng nói của những người không bao giờ còn nói được nữa để cứu những người đang sống. Đó là công việc đầy ý nghĩa”.
Phương Vũ