Sau hơn 1 giờ tống đạt lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi làm việc của bị can này là Trường Quốc tế Hà Nội số 48, Liễu Giai, Ba Đình Hà Nội, trước khi ra khỏi trụ sở lần cuối, bị can Hoan vẫn ung dung đút tay vào túi quần. Lúc ra khỏi cổng, ông Hoan vẫn vui vẻ bắt tay chào các nhân viên bảo vệ. Cơ quan điều tra tiếp tục đưa ông Hoan về khách sạn Deawoo, nơi bị can này thuê tạm trú dài hạn, để khám xét trước khi đưa về trại tạm giam T16.
Nguyễn Đình Hoan đi ra khá hiên ngang. |
Thấy nhiều phóng viên đứng đợi trước cổng trường, một nhận viên bảo vệ của trường cười rằng: "Làm sao mà ông Hoan bị bắt được. Hôm qua một thầy bói đã gieo quẻ tốt cho ông Tổng giám đốc rằng ông ấy không bao giờ bị bắt". Nhưng khi người bảo vệ vừa dứt lời thì hai chiếc xe của công an áp giải vị TGĐ đến trường để thực hiện lệnh bắt, khám xét.
Những khuất tất trong quản lý tài chính của ông Hoan tại trường Quốc tế bị tố giác từ lâu, ông Tổng Giám đốc vẫn vô can được dù nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đã tới làm việc.
Ngày 22/3, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đề nghị Bộ Công an giải quyết dứt điểm những hành vi tiêu cực của các cá nhân tại trường quốc tế. Cùng ngày, quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại trường Quốc tế Hà Nội đã được ký.
Ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ thành lập Công ty Liên doanh trường Quốc tế giữa Trung tâm và Công ty ISD (Mỹ), ông Hoan đã có dấu hiệu lừa đảo. Phía ISD của ông Hoan chưa góp đủ vốn pháp định nhưng "đã cùng với kế toán trưởng Trần Thu Hường (đã bị bắt) hạch toán khống khoản chi không có chứng từ 250.000 USD vào chi phí trước khi thành lập rồi... chuyển vào vốn pháp định".
Phía đối tác Việt Nam nghi ngờ, ông Hoan có thể lừa dối Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc lừa chuyên viên thẩm định rằng bên nước ngoài đã góp đủ vốn, rồi trình Bộ trưởng cấp giấy phép. Đặc biệt, ông Hoan âm mưu lừa đảo phía Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bằng việc tạo bản điều lệ tiếng Anh khác với bản tiếng Việt nhằm có lợi cho đối tác nước ngoài...
Trường quốc tế Hà Nội. |
Trong quá trình điều hành hoạt động của trường tại nhiệm kỳ 1, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Hoan báo cáo trường liên tục lỗ trong nhiều năm, với số tiền khoảng 1,4 triệu USD. Theo Trung tâm công nghệ giáo dục, ông Hoan cùng kế toán trưởng đã mở 7 tài khoản để nhằm chuyển ngoại tệ bất hợp pháp và rửa tiền.
Tháng 4/2004, Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra hoạt động của liên doanh này. Tháng 10/2004, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trường còn nhiều tồn tại về việc tổ chức hoạt động, chưa có quy chế làm việc, chưa phân công quyền hạn trách nhiệm giữa những người lãnh đạo. Riêng vấn đề tài chính chỉ thấy sai lệch khoảng 8.000 USD. Song lại giải thích đây là do ghi nhầm số liệu.
Tháng 5/2005, Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đến làm việc với Trường quốc tế Hà Nội. Đoàn xác định, chưa đủ căn cứ xác nhận phía đối tác nước ngoài đã góp vốn 250.000 USD qua khoản chi phí "bôi trơn" trước khi thành lập liên doanh.
Cơ quan điều tra khẳng định khoản tiền lãi 4,6 tỷ đồng mà phía trường Quốc tế Hà Nội hạch toán cho phía Vinaconex là việc làm không bình thường, có dấu hiệu thông đồng, cố ý làm trái, tham ô tài sản. Ngoài ra, ông Hoan còn tự ý quyết định cho hàng trăm học sinh được miễn giảm học phí trái quy định gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng.
Ngay sau khi ông Hoan bị bắt, ông Đoàn Văn Mừng, Chủ tịch HĐQT trường quốc tế Hà Nội, khẳng định: "Mọi hoạt động học tập của trường vẫn diễn ra bình thường. Tạm thời, Phó tổng giám đốc sẽ điều hành hoạt động của trường".
Khánh Ngọc