Nhưng cũng 2 tháng sau, khi gia đình chị đã biến một cô gái nhà quê "không biết bật bếp ga" thành một người nội trợ kinh nghiệm, thì người đó lại đột nhiên bỏ đi. Trung tâm môi giới việc làm lại giới thiệu một người vừa mới ở quê lên.
Cách đây khoảng 1 tuần, khi chị Hương đến nhà ông Hải, chú họ của chị (Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thì bắt gặp người oshin đầu tiên làm cho nhà mình. Hỏi ra, chị mới biết gia đình ông Hải phải trả cho người oshin này 500.000 đồng/tháng, gấp đôi mức mà nhà chị trả cho họ. Lệ phí mà ông Hải trả cho trung tâm môi giới (cũng chính là trung tâm giới thiệu oshin cho chị Hương) tất nhiên cũng cao gấp đôi. Lý do là ông Hải tìm một người có kinh nghiệm nội trợ, chứ không phải như yêu cầu đơn giản trong hợp đồng của chị với trung tâm, "chỉ cần một người thật thà, chăm chỉ"... Thế là, đã mấy tháng nay, nhà chị phải chịu bao phiền toái vì bị biến thành nơi huấn luyện việc nhà. "Họ chỉ ngồi không và hưởng hoa hồng cao hơn sau mỗi lần đổi oshin, còn gia đình tôi thì liên tục phải huấn luyện không công cho hết người này đến người khác", chị Hương bực tức nói với VnExpress.
Không chỉ chị Hương, mà nhiều gia đình khác ở Hà Nội cũng bị lợi dụng như vậy. Một số trung tâm môi giới việc làm đứng ra ký hợp đồng với những gia đình muốn thuê oshin nhưng chỉ trả một mức lương thấp. Sau khoảng 2 tháng, khi những người này đã thành thạo công việc thì họ được điều đến làm việc cho gia đình trả chi phí cao hơn, và thế vào chỗ của họ là những người mới. Kết quả, người đi làm oshin thì có lương cao hơn, còn trung tâm thì sau mỗi lần chuyển đổi như vậy, mức hoa hồng của họ lại tăng. Chỉ có những gia đình bị biến thành lớp đào tạo cho oshin là chịu thiệt.
Theo chị Nguyễn Hương Thảo (Ngõ Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội), ở Hà Nội hiện rất khó kiếm được một oshin vừa ý. Nhà chị đã tìm oshin ở nhiều trung tâm. Nhưng người đầu tiên thì có biểu hiện ăn cắp đồ, người thứ hai thì lười nhác, người thứ ba thì vụng về, người thứ tư thì ăn ở mất vệ sinh... "Đến người vừa rồi, dạy cho họ làm từ A đến Z, khi thạo việc thì họ xin nghỉ một ngày để về quê rồi mất hút", chị Thảo nói.
So với các gia đình nói trên, trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Huy Bân (Hoàng Cầu, Thành Công, Hà Nội) còn bi hài hơn. Mới cưới nhau được nửa năm, hai vợ chồng ra ở riêng và quyết định thuê oshin để đỡ việc nhà. Anh Bân tìm đến một trung tâm môi giới việc làm trên đường Thái Hà, và được giới thiệu một người tên Thủy (khoảng 28 tuổi), quê ở Thanh Hóa. Chỉ sau 1 tháng, với sự chỉ dẫn tận tình của vợ chồng anh, Thủy đã từ một người ngô nghê trở thành một người nội trợ biết sử dụng hầu hết các thiết bị hiện đại như lò vi sóng, máy giặt... Vợ anh còn in cả những bài viết về các món ăn từ Internet về dạy cho cô ta. Nhưng sau đó, Thủy xin về quê một ngày rồi mất hút. Người thứ hai, được trung tâm giới thiệu (vì gia đình anh ký hợp đồng 3 tháng thử việc nên trung tâm này vẫn có trách nhiệm tìm người thay thế), cũng tương tự, cứ đến lúc làm được việc là lại như "bóng chim, tăm cá". "Đến giờ, đã bỏ ra 250 nghìn đồng lệ phí tuyển dụng cho trung tâm, nhưng gia đình tôi vẫn phải bắt đầu tìm oshin mới", anh Bân bực tức nói.
Khi nhu cầu tìm oshin tăng, dịch vụ môi giới oshin cũng tăng lên nhanh chóng. Trước đây, oshin thường hay "bỏ bom" gia chủ là vì gia chủ thường tự về các vùng quê để tìm, chọn hoặc nhờ người quen giới thiệu, nên không có hợp đồng, giao kèo. Giờ đây, gia chủ làm hợp đồng với các trung tâm. Trước lập luận bảo vệ người lao động của một trung tâm môi giới việc làm, anh Bân nổi cáu: "Họ (oshin) là người lao động, còn chúng tôi không đầu tắt, mặt tối à?".