Năm nay, tôi 31 tuổi còn chồng 34. Tôi có dáng người nhỏ bé và khuôn mặt ưa nhìn còn chồng tôi cao gầy và khuôn mặt xương nhỏ. Mọi người có nói như thế nào thì trong mắt tôi mà nói chồng tôi vẫn luôn luôn là đẹp nhất. Tôi và chồng tôi quen nhau từ khi tôi học lớp 12 còn chồng tôi đang ôn thi trung cấp. Sau khi tôi ra trường được hai năm thì chúng tôi tổ chức đám cưới.
Bố mẹ tôi ly hôn từ năm tôi lên 4, tôi ở cùng mẹ còn chị tôi ở cùng bố. Mẹ con tôi về ở tại nhà bà ngoại cùng rất đông các cậu các dì. Vì cuộc sống mưu sinh, khi tôi được chín tuổi thì mẹ tôi đi lấy chồng còn tôi ở lại nhà bà ngoại. Khi tôi học đại học năm thứ hai, nhà bà ngoại tôi thuộc diện quy hoạch của thành phố nên mẹ tôi đã cố gắng để mua một căn nhà rất nhỏ cho tôi ở.
Vợ chồng tôi khi đó vẫn chưa cưới nhau nhưng chồng tôi đã thường xuyên ở lại đó qua đêm. Trong quãng thời gian này, rất nhiều lần anh đã đưa tôi về nhà anh chơi. Mẹ chồng tôi bán hàng tại chợ cóc vào bốn ngày trong tháng. Có một lần, khi đến nhà anh chơi đúng vào lúc mẹ anh đi bán hàng về. Trái ngược với thái độ vui vẻ niềm nở, thì mẹ chồng tôi lúc bấy giờ lại đá thúng đụng nia, văng tục khi bà đi ra giặt quần áo. Tôi cũng không hiểu tại sao bà lại có thái độ như vậy đối với tôi, sau đó tôi đề nghị chồng tôi chở tôi về.
Khi đó, tôi cũng có hỏi chồng tôi về điều này thì nhận được câu trả lời rằng: "Chắc là mẹ đi chợ về mệt nên cáu gắt vậy". Cũng xin được nói thêm rằng: kể từ khi ra mắt nhà anh, mỗi khi đến chơi tôi cũng đều tham gia vào công việc chuẩn bị cơm cùng mẹ anh và rửa bát. Bản thân tôi cũng như anh đều xuất thân trong một gia đình nghèo, vì vậy những công việc trong gia đình tôi đều đảm trách không nề hà gì.
Mẹ của bạn trai luôn so sánh tôi với bạn gái của cậu em trai anh. Tất cả những gì bà có thể đem ra so sánh để dè bửu tôi chỉ có thể là tôi thấp còn cô con dâu đó cao; bà gọi tôi là “con lùn”. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên vào giai đoạn đó dù gì tôi cũng chỉ đến nhà anh chơi với tư cách là bạn gái, nhưng khi tôi đến chơi thì mẹ anh lại lôi đống quần áo ra giặt và tỏ thái độ khó chịu như tôi đã đề cập ở trên, tôi cũng chưa phải là dâu con trong gia đình vì vậy việc giặt quần áo giúp cho bà lúc bấy giờ tôi cảm thấy gượng, vì vậy tôi xin phép ra về.
Gia đình anh còn có một cậu em trai kém anh năm tuổi. Vào thời điểm anh dẫn tôi về thăm hỏi qua lại nhà anh thì em trai anh cũng dẫn bạn gái về ra mắt. Theo đúng như lễ nghĩa cần có, mỗi khi có dịp gì tôi lại thường xuyên mua quà cáp biếu mẹ anh. Một thời gian sau, có lần tôi đến chơi thấy bà hay kể rằng bạn gái cậu em trai của chồng tôi có mua tặng bà cái này cái kia, cũng xin nói thêm là nhà cô bạn gái cậu em cũng không phải giàu có gì. Khi thấy bà nói vậy, tôi cũng đi mua đồ để tặng bà và điệp khúc đó vẫn được lặp lại.
Vào một dịp chồng tôi lại đưa tôi về nhà anh ăn cơm, bữa cơm hôm đó mẹ anh làm món vịt luộc; bà nhấc hai bên áp đùi ra và bảo với chúng tôi rằng phần em trai anh và bạn gái vì chúng nó thích ăn. Bản thân tôi không phải người phàm ăn, nhưng khi đó tôi thấy không vui.
Khi chồng tôi ra trường thì cậu tôi có xin cho anh vào chỗ cậu tôi làm, và anh cũng làm được mấy năm tại đây. Cậu tôi cũng chỉ có cổ phần nhỏ ở đây cùng một người bạn. Khi người bạn đó cho chồng tôi nghỉ việc thì cũng là lúc thái độ hậm hực, khó chịu của mẹ anh càng gia tăng đối với tôi. Tôi thấy rất ái ngại và đó không phải lỗi của tôi.
Một thời gian sau, khi bố anh bán đất ở quê đi và yêu cầu chúng tôi làm đám cưới thì mẹ tôi xin hoãn lại vì năm đó tôi không được tuổi cưới mặc dù tôi đã ra trường và đi làm được một năm. Em trai anh và bạn gái lúc bấy giờ đã học xong cấp ba được một thời gian thì xin cưới luôn. Kể từ khi đó, mẹ anh luôn luôn đem tôi ra để so sánh với người con dâu này của bà; tất cả những gì bà có thể đem ra so sánh để dè bửu tôi chỉ có thể là tôi thấp còn cô con dâu đó cao; bà gọi tôi là “con lùn” cùng với người con dâu đó; rồi bà bảo rằng: “Cần gì con dâu có hai bằng đại học, cần gì phải có học như nó để làm gì chỉ cần ngoan là được!”.
Có lần, bà còn bảo tôi rằng: “Tại sao mày lại gọi tao là mẹ, tao có phải là mẹ mày đâu mà mày gọi tao là mẹ”. Ảnh minh họa. |
Tôi không biết trong cái sự hiểu của bà thì bà định nghĩa như thế nào về từ “ngoan”. Bản thân tôi trong quãng thời gian qua lại nhà bà, không biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh bà hỗn láo với bà nội của chồng tôi. Điển hình trong một bữa cơm mà không có mặt của bố chồng tôi, khi bà nội chồng tôi dạy bảo vợ chồng cậu em thì mẹ chồng tôi sỗ sàng: “Nói gì mà nói lắm thế, ăn thì ăn đi, nói gì nó, nó thế là đã ngoan lắm rồi” xong bà lẩm bẩm: “già rồi sống gì mà sống dai thế”.
Một năm sau khi cậu em chồng tôi cưới thì chúng tôi cũng kết hôn. Lúc bấy giờ, gia đình chồng tôi nói rằng kể từ thời điểm bán đất ở quê lo đám cưới cho cậu em đến bây giờ hết sạch tiền rồi, vì vậy mà chúng tôi sẽ phải tự lo cho đám cưới này. Về phần tôi thì bố dượng và mẹ tôi đứng ra lo, còn bản thân chồng sau nhiều năm đi làm thì cũng tích cóp được tiền để tự lo đám cưới về phía nhà anh.
Đêm tân hôn, mẹ anh yêu cầu vợ chồng tôi đếm tiền mừng cùng bà, bố chồng tôi ngay sau đám cưới đã đi chơi cùng bạn. Bên gia đình bà nội chồng tôi có một nhánh họ các bác khá giả, chỗ tiền mừng đó không có trong hộp tiền mừng, mẹ chồng tôi nói rằng bố chồng tôi đã đem theo số tiền đó đi rồi, anh họ tôi khi quay đám cưới đã ghi lại cảnh mẹ chồng tôi cầm số tiền đó. Và đến sau này thì được biết rằng bố chồng tôi không hề mang số tiền đó đi chơi, khi đó thì mẹ chồng tôi lại nói rằng: “Cầm chỗ tiền đấy để sau này bạn bè mời cưới thì còn phải đi trả nợ cho chúng mày”, nhưng đến cái sau này thì mỗi lần có thiếp mời cưới mẹ chồng tôi lại bảo chồng tôi chuẩn bị tiền để đi trả nợ.
Trước khi tôi và chồng tôi tổ chức đám cưới thì vợ chồng cậu em chồng tôi về nhà mẹ đẻ của cô đó ở vì họ mới sinh con. Gia đình nhà chồng tôi cũng rất chật chội, trước khi cưới mẹ chồng tôi có nói rằng: “Cưới xong thì ở luôn nhà mày ý đừng về đây”. Bố mẹ tôi thì cho rằng thuyền theo lái gái theo chồng, lấy chồng thì về nhà chồng ở. Chính vì vậy mà chồng tôi đã dọn dẹp căn phòng của cậu em để làm phòng cưới của chúng tôi. Vợ chồng cậu em và mẹ chồng tôi cho rằng tôi cướp phòng của cậu em.
Ngay sau đám cưới của chúng tôi không lâu, bố mẹ chồng tôi bán nốt đất ở quê để mua ô tô tải cho cậu em. Lý giải về điều này, bố mẹ chồng tôi bảo rằng: “Vì vợ chồng cậu em không có công ăn việc làm còn vợ chồng tôi đã ổn định rồi nên phải lo cho vợ chồng cậu em”.
Khi tôi có thai và sinh con, lúc nào mẹ chồng tôi cũng nói rằng: “Tôi sướng cái gì cũng sẵn có chứ không như mẹ tôi khổ lắm”. Bà nói rất nhiều lần, và còn thường xuyên nói với chồng tôi rằng: “Con vợ mày nó không có sữa nên khổ con mày còn tao đây này ngày xưa tràn trề sữa cho mày bú thoải mái”.
Nói về cái sự sướng, thì tôi sống ở nhà chồng trong căn phòng cực kỳ nhỏ; nấu nướng, sinh hoạt, vệ sinh tất tần tật trong căn phòng 8 m2; tiền tôi ăn hàng ngày và tôi nằm nhà trong thời gian ở cữ là do tôi đi làm mà có và họ ngoại cho tôi. Tôi phải đóng tiền cơm đầy đủ cho mẹ chồng tôi, khoản nào ra khoản đấy và còn phải biếu bà nữa. Tôi đẻ mổ, ba ngày bà đã bắt tôi về nhà, kể từ khi về nhà chỉ đến bữa cơm thì bà mang xuống còn đâu mọi việc chăm con là tôi đều phải làm bà không mó tay vào, khi nào muốn đổi bữa thì phải đưa tiền riêng.
Thật tâm tôi, nhiều lúc chồng tôi còn không quan tâm đến bà, tôi còn nhắc anh và thay anh báo hiếu mẹ anh. Ảnh minh họa. |
Khi con tôi còn nhỏ, tôi đi làm thì phải gửi bà tiền trông cháu và phải chuẩn bị đầy đủ sẵn ra cho bà, cháu có bĩnh ra thì bà bọc vào túi buộc chặt chờ tôi về giặt, mấy bình sữa tôi chuẩn bị cho con cũng chờ tôi về rửa. Mỗi khi cháu ốm cháu đau thì tôi thường xuyên nghỉ làm trông con còn bà thì không động tay vào bao giờ và bảo rằng: “Tại con mẹ nó không có sữa cho con bú nên sức đề kháng kém”. Mọi người nhận xét cháu không được bụ thì bà bảo: “Tại con mẹ nó, giống con mẹ nó”.
Từ khi cháu được sinh ra đến nay được hai tuổi rưỡi, tôi phải nghỉ làm và thậm chí là phải nghỉ hẳn, đợi sau khi con hồi hồi lại đi xin chỗ khác. Tôi vất vả nghỉ hết chỗ này đến chỗ khác vì con tôi ốm, vì chăm con tôi, vì xót xa nhìn mẹ chồng tôi chăm con tôi mà tóc cháu không mọc nổi; thì mẹ chồng tôi lại đi kể với mọi người là: “Học đại học làm gì mà không xin được việc phải thất nghiệp nằm nhà”.
Vợ chồng tôi chủ động xin ăn riêng từ khá lâu rồi nhưng lúc nào bà cũng vào phòng tôi, lục lọi xem tôi ăn gì uống gì, mặc gì để đập phá đồ dùng sinh hoạt và quần áo của tôi; lúc nào cũng ghen tỵ hậm hực với tôi. Giá thử tất cả những gì tôi có, tất cả những gì tôi ăn là bà cho tôi đã đành, đằng này ngược lại cho dù tôi không có, tôi cũng phải nhịn ăn sáng để dành tiền biếu bà.
Thật tâm tôi, nhiều lúc chồng tôi còn không quan tâm đến bà, tôi còn nhắc anh và thay anh báo hiếu mẹ anh. Nhưng tôi không hiểu sao, tôi càng cố gắng đối xử tốt với bà bao nhiêu thì bà lại càng đối xử ngược đãi với tôi bấy nhiêu. Tôi phải nghỉ hẳn làm vì bà vào viện mổ u xơ tử cung và con tôi ốm. Cháu ốm, lại lo cơm nước cho cả nhà thành ra chỉ thỉnh thoảng tôi mới vào thăm nom bà được, bà không thông cảm còn đi kể lể ở quanh giường bệnh về tôi để đến khi tôi vào thì họ bảo: “Đuổi nó ra khỏi nhà” mà nhà là của bà nội chồng tôi.
Tôi có đèo bà đi đâu làm gì thì cũng đều được những người quen của bà cạnh khóe chửi tôi không ra gì và tỏ vẻ thật tội nghiệp cho bà . Tất cả sự việc đều được đổi trắng thay đen qua lời kể của mẹ chồng tôi. Bà luôn luôn kiếm cớ gây sự chửi bới tôi và hôm nay bà xông vào cào cấu đánh tôi, bà bảo tôi rằng: “Tại sao mày lại gọi tao là mẹ, tao có phải là mẹ mày đâu mà mày gọi tao là mẹ”; tôi trả lời rằng: “vì con lấy chồng con, mà anh ấy lại là con mẹ nên con phải gọi mẹ là mẹ”; mẹ chồng tôi bảo: “Từ nay về sau tao cấm mày không được gọi tao là mẹ, mày là con khốn nạn, con đĩ, con mắt trắng dã môi thâm xì”.
Xin mọi người hãy cho tôi một lời khuyên: “Tôi phải gọi mẹ chồng tôi là gì và tôi phải ứng xử với mẹ chồng tôi như thế nào trong quãng thời gian dài sắp tới nếu như tôi và chồng tôi vẫn ở cùng nhau?”.
Tâm Tâm
* Gửi tâm sự của bạn tới địa chỉ email changnang@ngoisao.net để được độc giả chia sẻ, gỡ rối. Lưu ý bài viết bằng tiếng Việt có dấu.