Sơ đồ dự báo hướng đi của bão số 7 đến 20g ngày 27/9 của Cơ quan Khí tượng Hong Kong cập nhật lúc 23h đêm qua. |
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/giờ), giật trên cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, trưa và chiều nay 26/9 bão số 7 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Sáng sớm nay, ở vịnh Bắc bộ gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.
Công điện của Thủ tướng
Ngày 25/9, Thủ tướng có công điện khẩn trong đó nêu rõ: - Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các biện pháp đối phó với bão số 7; đình hoãn các cuộc họp không thật sự cần thiết để tập trung phòng chống lụt bão; tập trung chỉ đạo có trọng điểm đối với công tác hộ đê, gia cố khẩn cấp các đoạn đê xung yếu; theo dõi sát sao diễn biến cơn bão số 7 để có ngay các dự lệnh sơ tán dân, trước mắt đối với vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở. - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với bộ đội biên phòng và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi tại các khu vực ảnh hưởng của bão. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn khi bão đổ bộ vào |
Chiều nay, bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam - Đà Nẵng, gây ra gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9. Riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật trên cấp 11.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng do bão kết hợp với thủy triều cao trong ngày cao từ 3,5 đến 4,5 m.
Từ chiều tối nay, ở các tỉnh thuộc phía đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng úng ngập ở vùng thấp, vùng trũng; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Trước những diễn biến phức tạp cũng như độ mạnh của cơn bão số 7, sáng qua, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (BCĐ PCLBTƯ).
Ngay sau cuộc họp, Phó thủ tướng đã ký công điện khẩn gửi các bộ, ban ngành và địa phương liên quan, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các biện pháp đối phó với cơn bão số 7; tập trung chỉ đạo công tác hộ đê, gia cố khẩn cấp các đoạn đê xung yếu, đồng thời theo dõi sát diễn biến cơn bão để có ngay các dự lệnh sơ tán dân ở các vùng ven biển, vùng sạt lở nguy hiểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Sỹ Nuôi - phó văn phòng BCĐ PCLBTƯ - cho biết, để đối phó với cơn bão số 7 “rất mạnh, diễn biến phức tạp, khó lường”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xuất 250.000 m2 vải bạt chống sóng để phân phát cho các tỉnh ven biển.
Trước đó, BCĐ PCLBTƯ cũng đã chỉ đạo hai tỉnh Hà Tây, Hải Dương xuất mỗi tỉnh 10.000 m2 vải bạt chống sóng trong kho dự trữ chống lụt bão của tỉnh để ứng cứu cho Hải Phòng và Nam Định.
Cho đến chiều qua, Ban chỉ huy PCLB TP Hải Phòng cho biết nếu cơn bão số 7 đổ bộ vào thành phố đúng lúc triều cường (3,3 m), tất cả các tuyến đê biển của Hải Phòng sẽ bị sóng đánh tràn qua.
Ông Lê Văn Hiến, Chi cục trưởng PCLB và quản lý đê điều, cho biết Hải Phòng đã điều động hơn 50.000 m2 bạt chống sóng, 6.000 rọ thép và 1.000 m3 đá hộc… cùng nhiều dụng cụ như áo phao, dây thép, nhà bạt… để xử lý các vị trí hư hỏng trên các tuyến đê biển. Cho đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng đã cơ bản hoàn tất việc di dân khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi hơn 1.000 tàu thuyền và các lồng cá bè về nơi an toàn.
Trong khi đó, tại Nam Định, 8.000 người và 3.000 m2 vải bạt chống sóng, gần 3.000 rọ thép và vật tư đã được huy động nhằm tu sửa những đoạn đê xung yếu thuộc các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Hiện công tác khắc phục những đoạn đê biển bị hỏng do bão số 6 đã cơ bản hoàn thành, 1.850 tàu thuyền đã được gọi về nơi trú ẩn và lên kế hoạch sơ tán 121.000 dân ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng.
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã tiến hành di dời ngay từ chiều 25/9 hơn 200 hộ dân của làng chài Cửa Vạn và 50 hộ dân của đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng) vào đất liền. Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng đã chuẩn bị 450 rọ thép, 18.700 bao tải, 8.200 m2 bạt chống sóng để tăng cường cho các đoạn đê xung yếu.