Bão đã gây ùn tắc tại bến phà Bãi Cháy, Quảng Ninh. |
Bão đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 ở Vịnh Bắc Bộ, cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 ở vùng biển từ Hải Phòng đến Nam Định. Đêm qua, bão tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền theo hướng Tây Tây Bắc.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cánh Bắc của tâm bão đổ bộ vào đất liền sớm vào khoảng 5h ngày 31/7 nhưng cho đến gần trưa cùng ngày, mắt bão mới đi vào đất liền, sau đó cánh Nam của mắt bão tác động vào đất liền thuộc địa phận các tỉnh Thái Bình, Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc Đông Bắc Bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh). Khi vào gần bờ, bão di chuyển rất chậm, kéo dài. Thời gian duy trì của cơn bão khá lâu, trên diện rộng (từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình...).
Bão đã gây mưa trên diện rộng, một số nơi mưa rất to. Tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình, anh Lê Ngọc Anh, 38 tuổi, một chủ đầm nuôi tôm, đã thiệt mạng do bị nước cuốn trôi, 10 người khác cho đến tối qua vẫn trong tình trạng mất liên lạc. 2.000 ha nuôi tôm ở huyện Thái Thụy bị ngập nước, nguy cơ sẽ mất trắng 1.000 tấn tôm sú.
Đường phố Hải Phòng ngập nước, nhiều xe bị chết máy giữa đường. |
Tại Hải Phòng, bão đã làm vỡ đê đảo Cát Hải nhưng ngư dân đã kịp đến trú ẩn ở nơi an toàn. Một bè cá ở vịnh Cát Bà bị trôi dạt, 2 người ở trên bè cho đến hôm qua vẫn còn mất tích. Cũng ở đảo Cát Bà, một tàu đánh cá Trung Quốc đã bị thất lạc, các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm. Nhiều tuyến đường của TP Hải Phòng bị ngập sâu do triều cường, giao thông bị đình trệ.
Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, ông Lê Huy Ngọ, đã trực tiếp có mặt tại Nam Định chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
Chiều 31/7, ông Lê Huy Ngọ cho Người Lao Động biết, từ 12h đến 13h ngày 31/7, bão số 2 bắt đầu đổ bộ vào Nam Định kèm theo mưa lớn. Tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã xảy ra một số sự cố, có nguy cơ sạt lở, vỡ. Tổ công tác phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương chủ động phòng, chống và đến thời điểm này, mối đe dọa vỡ đê cơ bản đã được xử lý.
Xe cộ ùn tắc tại đầu bến phà Bãi Cháy. |
Do ở rìa tâm bão nên tỉnh Quảng Ninh không bị thiệt hại lớn, tuy vậy, triều cường đã làm nhiều tuyến đường của TP Hạ Long và thị xã Cẩm Phả bị ngập sâu. Tại huyện Vân Đồn, 2 cột phát sóng của ngành bưu điện và truyền thanh bị ngã. Tại Hòn Gai, nhiều cây to bị trốc gốc.
Đến chiều 31/7, bão bắt đầu suy yếu dần. Một số tỉnh tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa. Tuy vậy, ông Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Trung ương, cảnh báo: Các địa phương phải hết sức đề phòng lũ quét cục bộ, nguy cơ sạt lở đất, lũ lên ở một số triền sông và mưa lớn gây úng ngập lúa mới cấy. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã yêu cầu các địa phương phải chủ động di dời dân tại một số nơi có nguy cơ cao, chủ động tiêu nước, không để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Theo ghi nhận của các chuyên gia khí tượng, đã khá lâu (kể từ sau năm 1996 đến nay) mới lại có một cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tuy là cơn bão tương đối mạnh, lại đổ bộ vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng do được thông báo, cảnh báo sớm và chính xác, sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền và nhân dân nên thiệt hại có khả năng sẽ không lớn. Bão số 2 khi còn hoạt động ngoài biển Đông đã gây mưa đều khắp cho các tỉnh miền Trung, góp phần giải quyết tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và giảm nguy cơ cháy rừng ở khu vực này. Hôm nay, 1/8, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, vào sâu đất liền Bắc Bộ và suy yếu thêm. |