Nhật báo Bruin của ĐH California. |
Chẳng hạn chỉ riêng số tiền mà Nhật báo Indiana dành để trả lương và nhuận bút hàng tháng cho đội ngũ phóng viên và biên tập viên đã lên tới gần 400.000 USD.
David Burrick vừa học vừa điều hành tờ nhật báo của ĐH Philadelphia. Khi có tin nóng, cậu sẽ huy động từ đội ngũ gồm 200 phóng viên và nhiếp ảnh gia, thậm chí sẵn sàng duyệt chi (từ ngân quỹ 1 triệu USD của báo) cho họ bay khắp nước Mỹ để đưa tin. “Chúng tôi là một nhóm những người từ 19 đến 21 tuổi.Nhưng chúng tôi hoạt động như một tờ báo chuyên nghiệp”, cậu nói.
Trong khi nhiều ấn phẩm thương mại đang teo tóp doanh thu, cắt giảm biên chế và số lượng phát hành, các báo SV ở Mỹ lại “trúng quả lớn”. Những tờ nhật báo SV vào loại “xịn”: khổ lớn, in màu và có cách tổ chức bài vở rất pro, hầu như không khác với những báo khổ lớn chuyên nghiệp.
Nhật báo Bruin của ĐH California chẳng hạn, được trang bị tới 100 chiếc máy tính Apple loại cao cấp để làm việc, ngang với một toà báo chuyên nghiệp cỡ trung bình tại Mỹ. Số tiền mà Nhật báo Indiana dành để trả lương và nhuận bút hàng tháng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đều là SV, lên tới gần 400.000 USD. Còn tờ nhật báo của trường Harvard gần đây đã chi 400.000 USD cho tư vấn thiết kế và in màu...
Cơ hội làm việc ở một tờ báo SV có ý nghĩa đến nỗi có SV như Z.L.R. Stavis, 21 tuổi, đã chuyển từ ĐH Colorado tới ĐH Barnard để được làm việc cho Nhật báo Columbia Daily Spectator, dù trường này không nổi tiếng bằng trường cũ.
Thị trường béo bở
Báo SV hiện là thị trường quảng cáo màu mỡ ở Mỹ, bởi độc giả của chúng là những người trẻ tuổi, có học thức, rất ý thức về thương hiệu, và có sức mua lên tới 41 tỷ USD. Trong khi các báo chuyên nghiệp đang mất dần độc giả, khoảng 95% SV các trường vẫn đọc báo của trường mình.
Samantha Skey, Phó Chủ tịch Hãng Truyền thông và Marketing Alloy, chuyên liên kết các tờ báo SV với những hãng quảng cáo trên toàn nước Mỹ, cho biết: “Chúng tôi là đối tác của 1.800 tờ báo, với số lượng bạn đọc là 11,4 triệu SV - những con số không hề nhỏ”.
Những quảng cáo trên báo SV chủ yếu là quảng cáo tuyển dụng từ các ngân hàng đầu tư và công ty công nghệ. “Lợi nhuận do đầu tư vào một sinh viên ưu tú là rất lớn. So với chi phí quảng cáo khá “bèo” trên báo SV thì rõ ràng đây là một hợp đồng béo bở cho các công ty”, Alan Eustace, Phó Giám đốc Kỹ thuật của Google, nói.
Những hãng lớn như Google, Amazon.com, Verizon Wireless... trong chiến dịch quảng cáo rộng khắp của mình đã bơm hàng triệu USD vào các nhật báo SV mỗi năm. Và bởi vì các báo này trên danh nghĩa là hoạt động phi lợi nhuận nên có toàn quyền giữ lại lợi nhuận sau chi phí, hoặc tái đầu tư vào trang thiết bị. Kết quả là những toà soạn rất bề bộn kiểu “SV” - bánh pizza khắp nơi, ghế sofa cũ nát - nhưng được trang bị công nghệ thuộc loại đỉnh cao.
Hiện có ít nhất 6 báo SV sử dụng những phần mềm biên tập phức tạp như K4, trị giá tới 50.000USD. Các nhà phân phối phần mềm này cho biết, dù dự định dành cho những tờ báo chuyên nghiệp, nhưng thực tế gần 1/4 doanh số bán sản phẩm lại là cho các toà báo SV.
Sự thành công của báo SV khiến cho các tờ báo này đã có... mùi tiền. Nắm bắt được thực tế đó, một số doanh nghiệp đã nhảy vào khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Mùa thu năm ngoái, giới doanh nghiệp ở bang Ohio đã khai trương tờ U Weekly phục vụ SV nhằm cạnh tranh với tờ Lantern, báo SV truyền thống. Họ ước tính lợi nhuận sẽ đạt khoảng 30-40%, và dự định sẽ mở rộng phạm vi phát hành tới 37 trường ĐH nữa trong vòng 5 năm tới. Đối với họ phục vụ SV không khó, chỉ là vấn đề có lợi nhuận hay không mà thôi.
(Theo Lao Động)