Xế chiều, tại các chợ, những hàng hóa bớt tươi ngon bị dôi ra, lại được những người nghèo sau một ngày mưu sinh vất vả, mua về với giá rẻ hơn đôi chút để chuẩn bị cho những bữa cơm đạm bạc.
Chị Nguyễn Thị Lan, kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ Bà Chiểu, cho biết, từ sau Tết, mặc dù giá cả các mặt hàng lên "vùn vụt" nhưng lượng thịt tiêu thụ tại chợ có chiều hướng tăng. Trước đây, mỗi ngày chị chừng 50-70 kg thịt mỗi ngày thì hiện nay lượng thịt bán ra đã gần 100 kg mỗi ngày. Giá trung bình 1 kg thịt nạc là tại chợ 74.000 đồng, thấp hơn giá tại các siêu thị từ 8.000-10.000 đồng/kg. "Không như trong siêu thị, nguồn cung cấp hàng của chúng tôi ở đây rất nhiều, từ các trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương cho đến các tỉnh miền Tây, lại không phải chi phí nhân viên, đóng gói, bảo quản nên giá ở chợ bao giờ cũng rẻ hơn", chị Lan giải thích.
Rau xanh thời "bão giá" bán chạy hơn. |
Không riêng các mặt hàng thực phẩm, tại chợ Đa Kao, quận 1, các mặt hàng tiêu dùng như dụng cụ nấu bếp, đồ nhựa, xà bông, bột giặt cũng được các tiểu thương ở đây dự trữ khá nhiều. Các quầy rau củ quả tại chợ cũng ăm ắp hàng, chị Linh, chủ một quầy rau tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết, lượng rau củ bán mỗi ngày tăng 20-30 kg.
Trong khi đó, lượng khách mua hàng ở các siêu thị tại TP HCM giảm hẳn. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Saigon Co.op, cho biết, sức mua của người tiêu dùng trong hệ thống siêu thị giảm từ 7-10% so với thời gian cuối năm 2007. Người mua tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... các mặt hàng may mặc, mỹ phẩm lượng khách mua giảm đáng kể. "Các nhà cung cấp tăng giá bởi giá nhiên liệu tăng, siêu thị sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá của nhiều mặt hàng khác trong thời gian tới", bà Hạnh cho biết thêm.
Sở Thương mại TP HCM cho biết, hiện nay các tại siêu thị có tới gần 800 mặt hàng nội tăng giá ở mức phổ biến 10-15%. Trong đó, một số loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ hộp, hàng đông lạnh tăng giá 20-30%, hàng gia dụng tăng trên 20%. Giá của nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng bình quân hơn 15%, thực phẩm đông lạnh tăng 20%.
Nhiều người chọn mua thịt bán rong ngoài cổng chợ khi giá thịt tăng đến 15%. |
Hệ thống siêu thị Big C cũng tìm cách chống chọi với "bão giá" và giữ chân khách hàng của mình. Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, đại diện hệ thống siêu thị Big C, siêu thị đã đưa ra các biện pháp kìm hãm việc điều chỉnh giá, như từ chối đề xuất tăng giá của các nhà cung ứng; tăng cường trữ hàng giá thấp; hủy bỏ những mặt hàng tăng giá một cách tùy tiện, mang tính áp đặt bởi nhà phân phối, có giá tăng cao.
Ngoài ra, Big C phát triển việc thu mua trực tiếp và tổ chức hậu cần tối ưu nhất nhằm giảm chi phí như thu mua rau củ quả trực tiếp từ đồng bằng sông Cửu Long, tập trung thu mua thịt và tổ chức pha lọc tại Big C… Cũng theo bà Trang một số nhà cung cấp chủ động được nguồn hàng và giá cả do gắn kết với các hộ sản xuất, chăn nuôi… Các đơn vị này cung cấp con giống, thức ăn... thu mua sản phẩm, nên chủ động được nguồn hàng và giá cả.
Đức Gia