![]() |
Cầu thủ Xuân Thành của HN.ACB. |
Sau vụ cầu thủ Xuân Thành (HN.ACB) bị tạm giam với tội tàng trữ ma túy, chính VFF và BTC V-League cũng lo ngại và chuẩn bị vào chiến dịch kiểm tra toàn quốc các cầu thủ. Sau đó, đội trưởng U19 của SLNA Lưu Văn Hiền cũng phải nhận hình thức kỷ luật là chấm dứt hợp đồng và trả về địa phương vì chích heroine trong phòng nghỉ.
Chuyện cầu thủ nghiện thực ra không mới. Từ lâu, mối nguy ấy cứ âm ỉ trong các đội bóng và được sự làm ngơ của người lớn, hoặc "có trách nhiệm" hơn thì khoanh vùng cầu thủ nghiện lại, không để lây lan. Chính vì không có sự triệt để trong môi trường bóng đá ấy mà đến nay đã trở nên báo động.
Lên tuyển, trốn về vì... nghiện
Thời hoàng kim của bóng đá Nghệ An trong những năm 1990, có một cầu thủ xuất sắc, đá rất hào hoa ở vị trí tiền vệ tổ chức là Phan Thanh Tuấn với biệt danh Tuấn "Đen". Cầu thủ này được đánh giá có một tầm nhìn không thua gì Hồng Sơn và có những đường chuyền như đặt.
Tuấn "Đen" hiền, ít nói, hay cười nhưng lại là người thường xuyên vắng mặt đột xuất trong những buổi tập và cả trong những lần thi đấu xa.
Thời đấy, các cầu thủ đội một Sông Lam thuộc loại ăn nên làm ra và có thể sống dư dả với đồng lương đá bóng của mình, nhưng với Tuấn "Đen" (lương loại một) lại luôn thiếu thốn và trải qua hai đời vợ, thế mà vẫn... nghèo rách.
Hồi đấy, đội Sông Lam Nghệ An với Trưởng đoàn và chỉ đạo viên là ông Nguyễn Hồng Thanh, còn HLV trưởng là ông Nguyễn Thành Vinh. Cả hai ông thầy này rất gần gũi với Tuấn "Đen", nhưng việc vắng mặt kỳ cục của cầu thủ này thì hai ông cũng chịu bởi một lý do đơn giản: "Nó đi đâu thì đi rồi cũng về. Nó hiền lành, ít gây gổ lại đá giỏi...".
Thời Colin Murphy nắm đội tuyển Việt Nam (chuẩn bị cho SEA Games 19 năm 1997), Tuấn "Đen" được gọi lên tuyển nhờ sự giới thiệu của các trợ lý. Cũng ba lô, túi xách và hành trang từ Vinh ra Hà Nội tập trung rồi lên Nhổn, nhưng chỉ được vài ngày, Tuấn "Đen" lại ngáp ngắn, ngáp dài và xin về. Nói là Tuấn về vì đau bao tử, nhưng ở đội Sông Lam thì ai cũng hiểu tại sao.
Lần sau, rồi lần sau nữa cũng thế. Có lần Tuấn về vì... đau ruột thừa, lần khác lại lấy lý do mới đổi vợ hoặc con đau... Cứ thế, Tuấn "Đen" luôn tìm cách trở về địa phương và tâm sự chỉ muốn đá cho đội bóng địa phương. Tuấn tồn tại ở đội SLNA cho đến ngày anh không thể cất chân đá bóng được nữa. Thân hình Tuấn ngày càng teo lại và có lúc anh không thể theo được các buổi tập thông thường.
Các thầy lẫn đồng đội hiểu vì sao Tuấn sa sút như thế, nhưng chẳng ai nói ra. Mãi đến một ngày tất cả đều thừa nhận, Tuấn "Đen" nghiện và "đô" ngày càng nặng. Đó là lý do vì sao mà người tuyển thủ tài hoa đất Nghệ ấy có tuổi thọ rất ngắn trên sân cỏ.
Thầy điểm mặt trò nghiện
Rong ruổi cùng cố HLV Ninh Văn Bảo qua nhiều mùa bóng và được nghe nhiều câu chuyện thú vị quanh chuyện cầu thủ nghiện. Ông Bảo cho biết, hồi đấy, thành phần đội Công nghiệp Hà Nam Ninh và sau này là Dệt Nam Định luôn nổi tiếng với một số cầu thủ nghiện lại luôn là những vị trí trụ cột.
Ông thú nhận: "Không khó để phát hiện ra cầu thủ mình ai nghiện, ai không, bởi đi thi đấu dài ngày mà không đủ thuốc thì những cầu thủ ấy vật vã lắm, nhìn rất dễ nhận ra". Ông Bảo còn bật mí có một mánh để theo dõi cầu thủ mình rất hay, đó là khi đội bóng di chuyển đến một địa phương thì bao giờ những cầu thủ nghiện cũng tiếp cận rất nhanh những đối tượng xe ôm rồi đến cữ "phi" đi rất nhanh, xong về thì rất tươi tỉnh.
Qua câu chuyện với vị cố HLV ấy, chúng tôi từng phát hiện ra rằng, hồi đấy, chuyện cầu thủ càng nghiện càng đá hay là không ít. Chuyện mà đến giờ khi có dịp về lại Nam Định gặp gỡ những cựu tuyển thủ một thời thì giai thoại về những cầu thủ nghiện ngập khi "đã thuốc" có những động tác rất quái. Cũng hay và may là giới trẻ thành Nam, hoặc thế hệ sau này không lấy đấy làm tấm gương. Vì hay mấy và đá khéo đến cỡ nào thì sau này, các cầu thủ nghiện ấy cũng đều kết thúc sự nghiệp một cách không suôn sẻ và khổ cực với nghiệp hậu bóng đá.
Giấu "hàng" trong chuyến du đấu
HLV đội năng khiếu TP HCM có lần đưa đội bóng đá trẻ đi nước ngoài thi đấu giao hữu chợt sững sờ khi nghe học trò báo khẩn: "Thày ơi, thằng X đang phê trong phòng".
Một cái bạt tai như trời giáng, sau đó hai ông thầy xách tai thằng bé vẫn còn đờ đẫn ra để tra hỏi, nhưng có đánh mấy cũng như không. Sau đó là một cuộc điều tra khẩn được Trưởng đoàn cùng Ban huấn luyện thực hiện với đủ mọi biện pháp, cuối cùng, các thầy phát hiện ra "hàng" đã được giấu trong tuýp kem đánh răng và vô tư vượt trạm chỉ để phục vụ cho cơn phê của các cầu thủ nhí ấy.
Giải đấu đó không đạt được kết quả khả quan nào, bởi cả đội bị ám ảnh với hình ảnh ấy. Toàn đội về đến TP HCM, BHL báo cáo gấp với Ban giám hiệu trường Nghiệp vụ về sự dại dột của học trò và kết quả là một bản án kỷ luật và đuổi học được thực hiện gấp. Nhưng lý do lại chỉ ghi sơ sài là vô kỷ luật, bê bối, vi phạm nghiêm trọng trong sinh hoạt.
Sau sự cố này, trường Nghiệp vụ rà lại toàn bộ cầu thủ, VĐV thì mới phát hiện chuyện động trời là không ít cầu thủ trẻ đã tìm vui với cái chết trắng dù mới chỉ ở cấp độ nhẹ. Tất nhiên, biện pháp tiếp theo là đuổi học, nhưng không bao giờ nguyên nhân được nói rõ trong học bạ.
Tương tự, đội U16 Việt Nam tham dự giải châu Á năm 2000, sau khi đoạt thành tích hạng tư châu Á buộc phải thanh lọc một cầu thủ trẻ gốc Hải Phòng sau khi bị BHL phát hiện ra cầu thủ này... nghiện và có dấu hiệu rủ rê bạn bè trong đội cùng chơi.
Nhắc lại những câu chuyện cũ để thấy rằng, cầu thủ nghiện không phải bây giờ mới có. Sau vụ Xuân Thành bị bắt lại đến vụ cầu thủ trẻ U19 Nghệ An.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)