>> Bệnh liên cầu lợn rất dễ lây
Theo Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, 22 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn vào điều trị tại viện, mỗi người có một nguyên nhân mắc bệnh khác nhau. Một sinh viên về quê nghỉ hè giúp mẹ bán thịt lợn tại chợ. Sau vài ngày đứng bán hàng, cô bé này bắt đầu sốt cao, co giật, gia đình vội chuyển đến viện. Lúc này cô bé đã bị viêm màng não cấp rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua xét nghiệm phát hiện đã nhiễm liên cầu lợn và phải điều trị tích cực mới qua khỏi.
Một nam bệnh nhân làm nghề buôn lợn, hàng ngày tiếp xúc với lợn sống còn việc giết mổ thuê người làm nhưng vẫn mắc bệnh. Một bệnh nhân nữa trong nhà nuôi ổ lợn xề có 4 con lợn con bị ốm. Hàng ngày chăm sóc đàn lợn thế là nhiễm bệnh phải đi cấp cứu. Bệnh nhân Vũ Đình Đấu, 61 tuổi ở Hưng Yên, khi vào điều trị tại viện tưởng đã không qua khỏi, qua thời gian điều trị tích cực đến nay đã ổn định. Còn nguyên nhân chỉ là do ăn thịt lợn mua ngoài chợ, đến hai ngày sau sốt cao hôn mê. Hậu quả vì bị hoại tử nặng, các bác sĩ phải tháo bỏ các ngón chân của ông Đấu.
TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, thông báo: "Hiện nay số người mắc bệnh liên cầu lợn đang tăng. Đây là bệnh lây trực tiếp từ những con lợn mắc bệnh liên cầu sang người khi ăn phải thịt, tiết canh lợn, qua tiếp xúc với máu, phân lợn bệnh...".
Các triệu chứng khi mắc bệnh rất giống với các bệnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ... Do vậy tại các tuyến cơ sở, bệnh này khó được phát hiện và điều trị không đúng cách dẫn đến tử vong. Bệnh nhân được chuyển đến viện thường rất muộn, sau 8-10 ngày mắc bệnh nên việc chữa trị rất khó khăn, đã có 2 bệnh nhân tử vong. Bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong bệnh liên cầu lợn lên tới 45%. Hiện nay, viện đã làm tốt kỹ thuật xác định Realtime PCR nuôi cấy ADN của vi khuẩn khuyếch đại chuỗi gene nên chỉ cần xét nghiệm máu có thể xác định người mắc liên cầu lợn. Các bác sĩ điều trị tại viện cho biết, người mắc liên cầu lợn nếu nhẹ là viêm màng não đơn thuần, còn nặng thì nhiễm khuẩn huyết cấp tính, suy đa phủ tạng, suy hô hấp...
Đã có 40% bệnh nhân mắc bệnh bị suy đa phủ tạng và 60% bị viêm màng não. Đặc biệt, việc điều trị cho bệnh này rất tốn kém. Ngoài kháng sinh, các loại thuốc đặc hiệu, bệnh nhân phải có các biện pháp hỗ trợ như chạy thận nhân tạo, lọc máu, máy thở, máy trợ tim. Để cứu sống bệnh nhân Vũ Đình Đấu, viện đã phải chi phí khoảng 50 triệu đồng, còn bệnh nhân nghèo không có khả năng thanh toán.
Người mắc bệnh liên cầu lợn sẽ còn gia tăng, vì không thể phát hiện lợn bệnh bằng mắt thường. Đây là nhận định của TS Hiền. Lời khuyên tốt nhất của các bác sĩ là không nên mua thịt lợn có màu sắc khác thường, có xuất huyết, không có dấu kiểm định của thú y. Không ăn tiết canh lợn, khi chế biến phải nấu chín kỹ. Cần đeo găng tay khi chế biến thịt lợn...
(Theo Lao Động)