Một tay đua nằm dài trên xe và đang “bắn” với tốc độ cả trăm km/giờ. |
Năm 2002, đường xuyên Á được xây dựng hoàn tất với quy mô 6 làn xe. Đường rộng, trải nhựa phẳng lì cùng lưu lượng xe chưa cao là yếu tố để các "yêng hùng" đổ đến so tài. Nhất là từ khi khu vực nội thành bị truy quét mạnh mẽ, mật độ "bão" ở đây càng dày đặc.
Dịp Tết Bính Tuất 2006, hầu như tối nào tuyến đường này cũng bị khuấy đảo vì những tiếng gầm rú của động cơ mô tô đã được đôn zên, xoáy nòng. Từng tốp, từng tốp 3-4 xe sau khi vào vạch xuất phát tại một giao lộ liền cùng rồ ga, lao như tên bắn trong làn đường dành cho xe 4 bánh, bất chấp những dòng xe ô tô đang lưu thông với tốc độ rất cao. Ngự trên những chiếc mô tô đó là 1-2 "yêng hùng" chỉ khoảng mười sáu đôi mươi, nhưng "tài" điều khiển xe thì vượt xa tuổi tác. Những pha đứng tim được biểu diễn nhiều nhất là nằm xoài người trên xe, cằm gối lên “bàn thờ"; ngồi xổm trên yên hoặc đứng hẳn người lên, tay xiết hết ga để qua mặt những chiếc ô tô đang chạy với tốc độ 80 - 90 km/giờ. Cao điểm là tối 5/2, khoảng 22-22h30, hơn chục chiếc xe gắn máy đôn zên, xoáy nòng đồng loạt quần đi quần lại gần chục vòng trên đường xuyên Á thuộc địa phận huyện Hóc Môn. Tiếng động cơ gầm rú như phản lực, tiếng la ó quá khích của cả những tay đua lẫn nhóm thanh niên đi cổ vũ khiến tuyến đường trở nên náo loạn. Đoàn đua lao đến đâu, người đi đường dạt vào đến đó. Ngay những chiếc ô tô lưu thông đúng làn đường của mình cũng phải giảm tốc "cung kính" cho đoàn đua đi qua.
Bám theo đoàn đua, chiếc Wave Alpha mới cáu cũng phải kéo đến gần 70 km/giờ, phả khói khét lẹt nhưng cũng chỉ "ngửi khói" đoàn đua vài chục mét. Ống kính camera cố lia thật nhanh theo bóng các "yêng hùng" vẫn không thể kịp bắt nét để ghi hình. Đến gần 22 giờ 30, một chiếc xe tải từ hướng Củ Chi lên, thấy đoàn đua đang từ An Sương về cua gấp 1.800 ở góc giao lộ Bà Triệu, đã thắng lết bánh để tránh đoàn đua. Nghe tiếng rít rợn người của bánh xe tải chà trên mặt đường, vài tay đua cũng giật mình thắng cháy đường và bánh xe gắn máy vừa kịp dừng lại khi chạm cản đầu xe tải. Chết hụt, đoàn đua tự giải tán. Người tài xế xe tải thò đầu ra định chửi đổng, nhưng khi vừa thấy mặt các "yêng hùng" vội thụt vào, chờ cho đoàn đua đi qua mới tiếp tục lưu thông.
"Tốp này là ở thị trấn Hóc Môn ra. Toàn đám thanh niên choai choai 15 - 16 tuổi", một anh xe ôm chờ khách ở giao lộ Bà Triệu, đường xuyên Á quả quyết. Thông tin này cũng được ông V., bán xăng gần đó xác nhận. Ông V., bán xăng ở đây từ năm 2003, cho biết mình thuộc hết các nhóm "yêng hùng" về đây so tài. "Tham gia đua tại tuyến đường này ngoài tốp thanh niên thị trấn còn có các tốp khác đến từ Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Hưng Hòa... Hầu như tuần nào chúng nó cũng đua. Không ở đường xuyên Á thì kéo nhau vào đường Khu công nghiệp Vĩnh Lộc", ông V. cho biết. Đúng là những tay đua trên tuyến đường này hầu hết đều "mặt búng ra sữa". Có những tay đua khi thực hiện động tác nằm dài biểu diễn, bàn chân cũng chỉ vừa chờm hết đuôi xe.
Khi tốc độ đô thị hóa ở quận 12, Hóc Môn, Củ Chi được đẩy nhanh theo sự nhộn nhịp của tuyến đường xuyên Á, nhiều hộ nông dân ở đây đổi đời nhờ bán đất và một số thanh niên vốn quen chân lấm tay bùn bỗng hóa thành "cậu ấm, cô chiêu", có xe gắn máy riêng, túi rủng rỉnh tiền bạc. Tiền có, đất đã bán không còn nơi canh tác, không ít thanh niên sau khi chán cảnh đốt tiền vào cà phê, bia ôm... đã rủ nhau "độ" lại xe để so tài tốc độ. Từ đó, các nhóm tốc độ ngoại thành cũng được hình thành. Để thêm phần "tài tử", một vài tay đua còn nhuộm tóc vàng hoe, gắn khoen tai, khoen mũi, xé tua quần áo đang mặc...
Đường xuyên Á qua địa phận huyện Hóc Môn - Củ Chi dài hàng chục km, nhưng "cung đường vàng" của dân mê tốc độ lại chỉ từ cầu An Hạ (giáp ranh Củ Chi với Hóc Môn) đến giao lộ chợ nông sản Tân Xuân. Trong đó, đoạn đường từ giao lộ Bà Triệu đến giao lộ Tân Xuân là "nóng nhất". Hình như rút kinh nghiệm ở nội thành (công an thường truy quét mạnh từ sau 0h), dân đua ở đây cứ khoảng 21h là bắt đầu tập kết tại các giao lộ Bà Triệu, Lê Thị Hà, sau đó kéo nhau vào đổ xăng tại các cây xăng T.C, X.A, H.A rồi... đua.
Phương tiện đua cũng có khác so với dân đua nội thành: có cả Attila, @, Dream... nhưng hầu hết xe "chiến" đều là xe đèn tròn (Cub 78, 80, 81...) được độ lại để có thể chạy với tốc độ trên 100 km/giờ. Nhiều xe khi vào trận được các "yêng hùng" tháo luôn biển số. Hoàng, một tay đua ở Phú Nhuận vào thập niên 90 đã giải nghệ, nhận xét: "Bọn ranh này cũng tinh đấy, dùng xe cũ, tháo biển số để nếu bị tóm thì bỏ xe luôn. Công an thì chả biết đường nào mà mò ra chủ nhân".
Nạn đua xe trên đường xuyên Á không phải bây giờ mới xuất hiện và cũng chả bí mật gì, nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại hằng ngày, gây bức xúc và hoang mang cho người đi đường. "Lâu lâu mới có công an đi tuần. Nhưng hễ hôm nào đi là hôm đó chúng không đua", ông V. cho biết. Liên tục trong 5 đêm đầu năm mới, có mặt để ghi hình đua xe, chỉ duy nhất một lần thấy một mô tô với 2 CSGT di chuyển từ hướng Củ Chi về An Sương vào lúc hơn 23h. Nhưng chiếc xe này hình như cũng chẳng để ý gì đến những tốp thanh niên tụ tập ven đường với những chiếc xe "chiến" không biển số kiểm soát, nẹt pô ầm ĩ. Đến gần địa điểm Trạm CSGT số 5 trên đường xuyên Á, hai CSGT dừng xe và chặn dòng xe tải xuôi về Củ Chi để kiểm tra giấy tờ. Cánh cổng vào trụ sở Trạm CSGT số 5 vẫn khép kín và yên ắng, mặc dù nơi đây cách địa điểm các "yêng hùng" làm mưa làm gió chỉ vài trăm mét... Có lúc, một nhóm gần chục thanh niên đi trên 4 xe gắn máy khi chạy ngang trụ sở Công an huyện và Đội Cảnh sát trật tự - giao thông Hóc Môn trên đường Quang Trung đã thách thức bằng cách nẹt pô ầm ầm rồi lao đi mất hút. Cánh cửa Đội Cảnh sát trật tự - giao thông vẫn khép kín. Bên trong phòng, vài người đang ngồi xem ti vi. Lối đi bên hông đội, hai chiếc mô tô để hướng ra đường nhưng vẫn "án binh bất động"...
(Theo Thanh Niên)