Ông Trần Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN (EVN) đang có mặt ở Đà Nẵng cho biết, đến 12h trưa nay, chỉ có 3 khu vực còn đảm bảo nguồn điện lưới là Đài Truyền hình thành phố, Ban phòng chống bão lụt Trung ương và Trung tâm Khí tượng thủy văn miền Trung.
Đường dây 500 KW, nơi cung cấp nguồn điện chính cho miền Trung và miền Bắc đã ngừng hoạt động. Có khả năng sẽ phải cắt điện một loạt các tỉnh lân cận Đà Nẵng và một số khu vực của Hà Nội.
![]() |
Cây đổ trên đường Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Trung tâm điều độ của Điện lực Đà Nằng bị vỡ hàng loạt cửa kính máy móc bị va đập, nhưng các chuyên gia vẫn không dám ra ngoài để kiểm tra. "Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay khi nào mưa ngớt vì nếu làm việc trong điều kiện không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tính mạng", ông nói.
"Chiều nay, chúng tôi sẽ đưa một máy diezel 14kg lên Trung tâm khí tượng Thủy văn miền Trung để cung ứng đủ nguồn điện để không dán đoạn thông tin dự báo thời tiết.", ông Quốc Anh cho biết.
11h45, liên lạc điện thoại cố định ở miền Trung đã tê liệt hoàn toàn.
Ông Phạm Xuân Kiên, Phó giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho biết, tình hình vô cùng nghiêm trọng. 4 đài vệ tinh cung cấp cho điện thoại cố định đã ngừng hoạt động. Các trạm thu phát sóng của mạng di động MobiFone và VinaPhone đang hoạt động cầm cự và chỉ đáp ứng được 20-30% lưu lượng cuộc gọi.
Riêng các số máy nóng của các thành viên trong ban chỉ đạo sử dụng điện thoại di động nội thị Daphone là còn hoạt động. "Đây là cơn bão có sức gió mạnh khủng khiếp khiến các trạm thu phát sóng lưu động, Inmasat vệ tinh phủ sóng cho các thiết bị đầu cuối viễn thông... mà VNPT chuẩn bị để ứng cứu sự cố cũng không thể phát huy tác dụng", ông Kiên nói. Theo ông thông tin liên lạc từ điện thoại di động chỉ còn tính theo từng phút.
9h sáng nay, tâm bão số 6 (Xangsane) đã đi vào đất liền Đà Nẵng với sức gió giật trên cấp 12. Tuy đã giảm một cấp so với khi hoành hành ở biển, nhưng gió bão đã nhấn chìm nhiều tàu neo đậu trên sông Hàn, giật tung cột điện, cây cối ven đường. Mái ngói, tôn, cửa kính nhiều ngôi nhà bị gió cuốn bay rào rào.
Tại cửa sông Hàn, nơi trú ẩn hàng trăm tàu thuyền, gió bão quay cuồng, giật đứt dây neo đậu. Một số tàu đã chìm nghỉm trước sự bất lực, không thể khả năng cứu hộ của con người.
![]() |
Ảnh chụp qua vệ tinh lúc 8h sáng nay. |
8h sáng nay, gió bão số 6 (Xangsane) mạnh cấp 10 tại Đà Nẵng, cấp 9 ở Quảng Nam. Suốt từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, người dân lo sợ ngồi trong nhà, đóng kín cửa.
Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam nằm sát cạnh biển hiện chìm trong mưa gió mịt mù. Ghi nhận của phóng viên VnExpress có mặt tại đây, gió mạnh hơn so với 1 tiếng trước, bẻ gãy cành toàn bộ hàng phi lao chắn sóng biển, nhổ trốc gốc cây cối và ném ra xa.
Hoàn lưu bão đã tạo nên gió Tây Nam từ đất liền thổi ra. Trong khi đó bão từ biển thổi vào khiến sóng dâng cao 4-5m đánh mạnh vào bờ. Sức gió mạnh hơn đã làm giảm sức mạnh của sóng lại và thổi dạt ra biển. Nhờ vậy, bãi biển khu vực này đã giảm bớt một phần thiệt hại ảnh hưởng của sóng.
Tại Đà Nẵng, 8h sáng nay, gió mạnh hơn khiến nhiều cửa kính các khách sạn ven biển vỡ tan. Nhiều khách sạn khác đang ra sức gia cố, chắn cửa kính để hạn chế vỡ. Tuy nhiên sức gió chỉ mới cấp 10, trong vòng một giờ tới tâm bão đổ bộ vào đây, khả năng chịu đựng của những cửa kính này là rất thấp.
Anh Nguyễn Văn Nhơn, khách đang trú ngụ tại khách sạn Royal trên đường Quang Trung, Đà Nẵng cho biết, gió bão quá mạnh, cây cối gãy nằm la liệt ngoài đường. Phố vắng tanh. Toàn bộ khách du lịch trú tại khách sạn này tối qua thức trắng.
Miền Trung mất điện diện rộng
Tin khí tượng thủy văn dự báo, 8-9h, tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cơn bão đi chếch theo hướng tây tây nam nên Đà Nẵng hứng gió mạnh đầu tiên. Sóng biển có thể cao tới 10-15m.
7h sáng nay, gió tại Đà Nẵng giật trên cấp 10. Quảng Nam cấp 9, Quảng Ngãi gió giật trên cấp 7.
Toàn bộ Đà Nẵng bị mất điện từ 3h sáng. Điện lưới trong hầm đường bộ Hải Vân cũng bị mất hoàn toàn. Điện lực đã phải khôi phục trạm phát điện 110 KV để đảm bảo lưu thông trong hầm.
Các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An của Quảng Nam không có điện. Huyện Bình Sơn, Trà Bồng thuộc Quảng Ngãi bị ngắt điện từ lúc 22h tối qua. Lúc gần sáng thành phố Quảng Ngãi cắt điện trong 30 phút, sau đó ngành điện lực đã sửa chữa ngay.
Đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi, Cù lao Chàm thuộc Quảng Nam với hơn 4.000 người đang bị cô lập hoàn toàn. Nhiều con đường ở Cù Lao Chàm ngập 1m dưới biển.
Trưởng Ban phòng chống lụt bão Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, 8h sáng nay, tỉnh sẽ họp Ban chỉ đạo để bàn phương án tiếp cứu cho đảo Lý Sơn.
Mưa chưa nhiều. Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung, lượng mưa chỉ mới đạt trung bình 40-50mm. Tuy vậy lũ ở các con sông trong khu vực đang lên nhanh đến báo động 2. Đến rạng sáng nay, nước sông Bồ ở 2,73 m, sông Vu Gia 5,21m. Dự báo của khí tượng thủy văn, lũ sẽ còn lên cao rất nhanh do ảnh hưởng của mưa bão.
Thấp thỏm lo âu
7h sáng nay, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều cây cối đang ngã đổ trên đường. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Điện thoại liên lạc thường xuyên mất sóng. Cả Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cũng phải sử dụng máy phát điện dự phòng để hoạt động.
Gia đình ông Thái Văn Kiệt, một người dân ở khu cân cư Hòa Cường, Đà Nẵng gồm 3 người đang dồn nấp vào toilet tầng 1 vì sợ đổ nhà. "Khi tâm bão trên cấp 13 vào, không biết giếng trời nhà tôi có chịu đựng nổi không", ông Kiệt lo âu nói với phóng viên VnExpress.
Nếu giếng trời bị bốc đi, toàn bộ mái nhà của ông sẽ bị gió lột sạch. Ông Kiệt đang dựng giường lên sát vách toilet như một công sự dã chiến ngay trong nhà, đề phòng trường hợp xấu nhất nhà bị sập thì cả gia đình chui xuống giường trú ẩn. Đây là một phương pháp thường được thế giới áp dụng khi xảy ra động đất.
Nhiều người dân rời nơi trú ẩn
Ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam, nhiều người dân đang ở nơi trú bão là bệnh viện đa khoa huyện lại lục tục kéo nhau về nhà vì lo cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hai, một người dân cho biết: "Về nhìn qua nhà xem có bị mất cái gì hay không". Tình trạng rời khỏi nơi trú ẩn trong khi bão chuẩn bị đổ bộ như thế này là rất nguy hiểm.
3h sáng, Đồn biên phòng 264 đóng tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, nằm cách biển khoảng 5m, đã phải nhổ trại dời vào bệnh viện đa khoa, nơi trú ẩn của người dân. Gió bão mạnh cấp 5, 6, sóng biển cao 2m kết hợp triều cường làm nước tràn lên đồn, buộc mọi người phải di tản. Phóng viên VnExpress cũng có mặt tại đồn và phải di chuyển cùng các chiến sỹ. 7h sáng nay, triều rút ra xa hơn 30m, cả đồn lại kéo về chỗ cũ để theo dõi diễn biến cơn bão.
Hiện khoảng vài chục hộ dân ở ven sông Trường Gia, con sông song song với biển Quảng Nam đang có nguy cơ bị nước cuốn. Những hộ dân này nuôi tôm sú trên sông nên không chịu sơ tán. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh, nếu bão đổ bộ vào và sóng lớn, khu vực sông Trường Giang sẽ có lũ mạnh, nguy hiểm cho dân. Phương án tiếp cứu đang được triển khai, song người dân chưa chịu hợp tác.
(Theo VnExpress)