Thành phố cao nguyên bốn mùa đều lạnh mang lại cho du khách những cảm nhận rất riêng khi đặt chân đến. Một trong những điều rất riêng ấy phải kể đến nét ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây. Bánh ướt lòng gà là món mà du khách hay tìm ăn khi đến Đà Lạt.
Món này không ăn với chả, nem hay bánh tôm như thường thấy ở nhiều nơi mà được ăn kèm với thịt và lòng gà. Sự kết hợp giữa miếng bánh dẻo mềm với thịt gà thơm ngọt, dai dai của lòng gà khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng.
Món bánh ướt thường thấy được chế biến đơn giản, nhưng với người Đà Lạt thì sự khéo léo và bản chất phóng khoáng đã làm cho món ăn trở nên đặc biệt.
Người dân ở đây làm bánh ướt tỉ mỉ từ khâu chọn gạo. Gạo làm bánh là gạo tẻ được trộn thêm chút ít bột năng cùng khoai mì tạo độ thơm và dẻo. Sau khi ngâm gạo, xay, trộn thêm các loại bột thì chế vào một tỷ lệ nước nhất định để tạo độ dai, khi tráng không bị vỡ. Sự khéo léo ấy còn thể hiện qua công đoạn tráng bánh. Đôi tay người làm luôn linh hoạt tráng từng lớp, để bánh đều mặt và không bị chỗ dày chỗ mỏng.
Lòng gà và thịt gà dùng kèm với bánh ướt cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thường người ta chọn gà vườn không quá lớn, thịt chắc và không được nhão hay quá dai. Để tránh mùi tanh lòng gà sau khi được sơ chế sẽ được ướp sơ qua một chút gia vị cùng hành tỏi cho thấm, khi làm cho khách mới xào chín để miếng lòng giữ được độ giòn thơm.
Kèm theo tô bánh ướt lòng gà là một chén nước mắm pha vừa ăn, có độ cay ngọt thanh nhưng đậm vị. Trong tiết trời se lạnh của sớm mai hay buổi tối, bạn sẽ không khỏi mê mẩn trước vị dẻo thơm của bánh ướt nóng mới tráng, chút béo ngậy từ miếng thịt, lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải thêm chút cay của ớt lẫn thơm nồng từ rau thơm.
Bạn có thể thưởng thức tô bánh ướt lòng gà vào bất kỳ khung giờ nào trong ngày chứ không nhất thiết chỉ thay thế cho bữa trưa hoặc bữa tối. Dừng chân ở Đà Lạt, bạn đừng quên ghé khu Hòa Bình hoặc quán Trang trên đường Tăng Bạt Hổ, Long trên đường Thông Thiên Học để thường thức món ăn hấp dẫn này.
VnExpress