Giá thành cao ngất ngưởng, đi kèm là hàng loạt “phụ tùng” vốn chẳng ăn nhập gì với ý nghĩa sáng như trăng đêm rằm... Sự hiện hữu của loại bánh Trung thu này luôn đem lại nhiều câu hỏi mà đáp án luôn là sự không thoả mãn. Trong khi đó, ngay ở chính Trung Quốc, quê hương của bánh Trung thu, cuộc chiến chống thứ bánh xa xỉ với cái tên mỹ miều là “hào hoa” mang nhiều nghĩa tiêu cực hơn tích cực đã trở thành một đề tài nghiêm túc, và được tuyên truyền một cách rộng rãi từ nhiều năm nay...
Ngay trước cửa Bách hoá Đại Lầu sừng sững rộng hàng ngàn mét vuông tại trung tâm Nam Ninh, 4 hàng bán bánh Trung thu ôm trọn toàn bộ mặt tiền của toà nhà. Hàng trăm loại bánh đến từ các trung tâm làm bánh nổi tiếng như Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hồng Kông với vô vàn màu sắc, vô vàn kiểu dáng, vô vàn chủng loại làm choáng ngợp người tiêu dùng...
Chị Phương, một thương nhân gốc Việt làm ăn ở đất Nam Ninh đã được gần chục năm, cho biết người Trung Quốc rất thích tặng những hộp bánh được làm tinh xảo và cầu kỳ. Quan trọng là hộp phải đẹp, hộp con đựng bánh bên trong cũng phải được làm cầu kỳ... như thế mới thể hiện được sự tôn trọng đối với người được tặng. Nhiều khi, giá trị của chiếc vỏ hộp đắt gấp hàng chục lần giá trị bánh bên trong.
Để chứng minh lời nói của mình, chị chỉ cho tôi giá của những chiếc bánh được bán lẻ bên ngoài, chiếc cao nhất chỉ từ 15 đến 25 tệ, còn đa phần là từ 10 tệ trở xuống, trong khi đó, khách hàng phải trả cho những hộp bánh nhân hoa quả, đậu xanh, hạt sen giá tối thiểu từ 50 nhân dân tệ (1 tệ tương đương 2.000 đồng) tới 200 tệ. Cao cấp hơn là những hộp bánh nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng giá từ 200 tệ đến 400 tệ. Loại cao cấp nhất là những hộp bánh có giá từ 400 tệ tới 800 tệ, nhân làm bằng vi cá, bào ngư...
Đắt và ấn tượng nhất là hộp bánh Trung thu được bán với giá 836 tệ (tương đương 1,7 triệu đồng), toàn bộ hộp được làm bằng gỗ màu nâu, phía trên nắp chạm hình rồng vờn mây mạ vàng, mở nắp hộp ra là 7 chiếc bánh được đựng trong những chiếc hộp con bằng sắt được làm cực kỳ tinh xảo, được đặt trên nền nhung màu huyết dụ vô cùng sang trọng...
Trước cửa khu siêu thị Wall Mark và siêu thị Parkson nổi tiếng là cả một hội chợ đêm với hơn chục quầy bán bánh Trung thu. Giăng giăng như mắc cửi là các tấm biển quảng cáo các thương hiệu bánh đỏ rực lên vô cùng bắt mắt dưới ánh đèn muôn màu. Bánh Kim Bình Quả đến từ Hong Kong, bánh của khách sạn 4 sao Kim Đô, bánh Giai Hưng Phạm đến từ Quảng Châu với lời quảng cáo đã đoạt kim tượng của Hội chợ bánh Trung thu quốc tế năm 2005, bánh của Giai Mỹ, của Đông Viên Gia Tửu, bánh mang tên Giai Hương Duyên của khách sạn Nam Phương với chú thích là sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ đầu tiên của tỉnh Quảng Tây, bánh Minh Thuận của khách sạn Vạn Sự Thuận với lời quảng bá là nhà bánh đầu tiên dùng nguyên liệu dầu ôliu tinh khiết nhập từ Tây Ban Nha...
Trước cửa khu Bách hoá Vạn Thịnh cũng lấp lóa vô vàn các hiệu bánh trung thu, các nhân viên bán hàng đứng trước cửa nhiệt tình giới thiệu với khách những loại bánh mới của năm nay được làm với nhân hoa quả như dâu tây, thanh long, mã thầy, dưa vàng... với lời quảng cáo cực kỳ ấn tượng “vị thanh của hoa quả sẽ làm mềm bớt vị ngọt sắc của bánh!”.
Ngay trong tiền sảnh của khách sạn Nam Phương, khu siêu thị chuyên bán quần áo cũng được dẹp bớt lại để bày nguyên một gian bánh với hàng trăm hộp bánh sang trọng đủ loại bày la liệt. Có những hộp bánh giá lên tới 460 tệ, kèm bên trong là một hộp đựng rượu vang đỏ, có hộp bánh kèm bên trong là trà ô long... đủ loại muôn hình vạn trạng. Khách sạn Nam Ninh cũng cho ra một hộp bánh đặc biệt với giá 488 tệ.
Chắc chắn một điều, với giá cả cao như vậy, những hộp bánh Trung thu “hào hoa” này không được làm ra để phục vụ mục đích đón trăng bình thường trong mỗi gia đình.
Năm 2004, khi sản lượng bánh Trung thu ở Trung Quốc lên tới con số xấp xỉ 20 vạn tấn với giá trị hàng hoá lên tới 10 tỉ nhân dân tệ thì cũng là năm dư luận Trung Quốc xôn xao với một kỷ lục về sự xa hoa lãng phí không đáng có: một hộp bánh Trung thu có kèm một tượng bằng vàng thật bên trong trị giá tới 180.000 tệ (tương đương 360 triệu đồng) bị phát hiện. Kỷ lục này vẫn còn chưa sánh được về sự xa hoa với năm 2003 khi người ta phát hiện ra một hộp bánh Trung thu trong đó có chứa đồ quý trị giá lên tới 310.000 tệ (620 triệu đồng).
Đứng trước sự phàn nàn của dân chúng về những món quà xa hoa đến cùng cực làm hoen ố ý nghĩa của bánh Trung thu trong những năm trước, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã vào cuộc. Từ tháng 7/2005, Cục Cải cách và Phát triển và Bộ Công thương Trung Quốc đã ban hành văn bản điều chỉnh giá bán bánh Trung thu. Cục Quản lý giá Quảng Châu đã tiến hành điều tra và trừng phạt những người bán bánh mà kèm thêm những món quà khác vào hộp bánh với tên gọi “hộp quà bánh Trung thu”. Điều này ngay lập tức đã có tác dụng. Để định hướng giá cả trên toàn quốc, 10 nhà sản xuất bánh lớn nhất và uy tín nhất Trung Quốc đã cùng nhau cho ra những hộp bánh mẫu bao gồm 3 mức giá: 88 tệ, 158 tệ và 268 tệ. Những hộp bánh này có số lượng giới hạn, được sản xuất tại Thượng Hải với công nghệ của những thương hiệu nổi tiếng như Bắc Kinh Diệu Hương Thôn, Bắc Kinh Hảo Lợi Lai, Quảng Châu Tửu gia Lợi Khẩu Phú, Quảng Châu Liên Hương Lâu, Tây An Mễ Kỳ, Thành Đô Thiên Luân, Tân Cương Mai Thú Nhĩ...
Báo chí Trung Quốc cũng tích cực cuộc lên án hiện tượng bánh Trung thu đã quá xa rời giá trị thực của nó. Tờ Trung Tân Xã phản ánh và phân tích sở dĩ giá bánh quá cao là do việc sản xuất bao bì quá hào hoa và xa xỉ. Mạnh mẽ hơn, báo chí Trung Quốc còn thẳng thắn chỉ rõ bản chất của những “hộp quà Trung thu” ấy chỉ để làm “mát mặt người tặng, tự hào người nhận”.
Bánh Anco Moon Đế vương. |
Từ tháng 8/2005, Hiệp hội Công nghệ chế biến thực phẩm của Trung Quốc đã ra quyết định đưa ra tiêu chuẩn mang tính cưỡng chế quy định giá trị bao bì của bánh Trung thu không được vượt quá 25% giá trị của bánh. Các khách sạn 5 sao sang trọng ở những thành phố lớn, nơi thường tung ra thị trường bánh Trung thu của riêng mình, cũng đã bắt đầu bày tỏ sự ủng hộ chủ trương này của Chính phủ Trung Quốc.
Không chỉ có dư luận và chính quyền, tầng lớp trí thức trẻ và các nhà bảo vệ môi trường Trung Quốc cũng nhiệt tình vào cuộc. Ngay từ khi dấu hiệu bùng phát quá đà của “bánh hào hoa” xuất hiện, các tình nguyện viên từ 12 trường đại học ở Trùng Khánh đã kêu gọi người dân địa phương tẩy chay thứ bánh mà giá trị của vỏ hộp vượt xa giá trị thực của những chiếc bánh bên trong.
Các nhà bảo vệ môi trường thì đưa ra con số thuyết phục là có đến 400 tới 600 cây vỏ hộp bánh, và trong những ngày Trung thu ở Trùng Khánh, 20% số rác thải ở đây là vỏ hộp bánh. Thậm chí ở Hồng Kông, các nhà hoạt động môi trường còn phát động phát triển tái chế vỏ hộp bánh bằng cách đặt những điểm thu gom tại 12 trung tâm mua sắm khi lễ hội Trung thu vừa mới chấm dứt.
Dư luận về thị trường bánh Trung thu Việt Nam năm nay được hâm nóng ngay từ đầu bằng sự xuất hiện của loại bánh có tên “Anco Moon Đế vương” với cái giá ấn tượng 2.999.999 đồng. Bà Phó chủ tịch của tập đoàn này tiết lộ với cánh báo chí là bánh mang hương vị của 9 loại thảo dược và đặc sản quý hiếm là đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi, bào ngư, vảy tê tê, yến sào, vây cá mập, hải sâm. Cái chữ “hương vị” mơ hồ này khiến các nhà bảo vệ động vật không nhảy dựng lên, nhưng người tiêu dùng thì không khỏi bị ấn tượng sâu sắc về mức giá của nó.
Nhưng nếu xét kỹ ra thì cái vỏ hộp được các nghệ nhân làm bằng tre, ép chữ laser cao cấp, rồi logo do Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận chế tác thì dễ hiểu tại sao hộp bánh đế vương này lại có cái giá đế vương so với mặt bằng chung thu nhập đến nay. Nhưng “hàng khủng” phải kể đến hộp bánh Maxim’s Hoàng Gia với cái giá 3,8 triệu đồng, trọng lượng cả hộp lên tới gần 20 kg vì vỏ được làm bằng gỗ, ngoài 8 chiếc bánh đặt trong 8 chiếc hộp inox nắp mạ bạc còn có thêm bộ cờ tướng bằng inox...
Chẳng phân định thành dòng “Bình - Tô - Quý - Đài” (Bắc Kinh - Tô Châu - Quảng Đông - Đài Loan) như bánh ở Trung Quốc, nhưng công thức để biến những chiếc bánh Trung thu giản dị và gần gũi thành “bánh hào hoa” xa xỉ thì các nhà sản xuất ở Việt Nam không hề thua kém. Vỏ hộp và bao bì “hào hoa”, theo lời một đại gia, tất nhiên phải nhập từ công xưởng của gia công Quảng Châu bởi công nghệ chế tác ở mình không thể làm nổi. Có làm được thì cũng không đáp ứng được chừng nấy số lượng, mà có đáp ứng được thì cũng có giá trên trời. Còn nguyên liệu bên trong thì tùy trí tưởng tượng của nhà sản xuất cũng như tùy mức giá dự định áp cho thị phần nào mà thêm thắt: nấm đông cô sốt rượu rum, thịt xông khói và thịt sốt BBQ, hải sâm, vây cá mập, yến sào, vảy tê tê, bào ngư, sò điệp, trứng cá, cua Tứ Xuyên, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi...
Trung thu là một dịp làm ăn “vàng” đối với các hãng bánh ngọt chú tâm vào thị phần “bánh hào hoa” bởi chỉ trong vòng một thời gian cực ngắn, một lượng hàng hoá lớn với giá thành cao được thị trường đón nhận và tiêu thụ ngay lập tức.Thị trường tiềm năng này cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các khách sạn sang trọng như Hilton, Sofitel Metropol, Daewoo, Sheraton... mà mỗi hộp bánh có thể đáp ứng được mọi yêu cầu “đối ngoại” với những phụ kiện đi kèm có thể làm mát mặt cả người tặng lên người nhận.
Nhu cầu sử dụng những sản phẩm cao cấp là chính đáng, nhưng thực tế các cuộc nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng những hộp bánh giá cao này hầu như đều được dùng vào mục đích biếu tặng thì lại là điều đáng suy ngẫm. Với sự góp mặt ngày càng nhiều của các hãng, với sự cạnh tranh phải cho ra đời những sản phẩm ấn tượng hơn nữa, “hào hoa” hơn nữa... tất yếu đến một thời điểm nào đó trong cuộc đua sẽ xuất hiện những “hộp quà Trung thu” có cái giá liên thành đến mức gây xôn xao dư luận về sự xa hoa và lãng phí.
(Theo An Ninh Thế Giới)