Bánh tráng đập đơn giản, chỉ là một cái bánh tráng nướng mỏng được phủ lên bởi một lá mì được tráng thật mỏng, phết dầu phộng khử hành, nén thật thơm vào.
Tại sao có tên là bánh đập, đơn giản thôi, bởi vì bánh này trước khi ăn phải đập. Không phải đánh đập gì mà là dùng tay đập lên 2 thứ bánh tráng nướng và lá mì này. Phần bánh tráng nướng khi đập nhẹ lên sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt... thế là bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Món này ăn ngon không chỉ nhờ bánh tráng mỏng giòn, lá mì tráng mỏng và hương thơm của dầu phộng khử quết vào mà còn nằm ở nước chấm.
Mắm nêm là thứ nước chấm dành riêng cho món ăn dân dã này. Mắm nêm phải là mắm cá cơm pha thật ngon với ớt tỏi, chanh, đường, chút dầu khử với hành phi... và phải có thêm tương ớt Hội An nữa mới đúng điệu.
Ở các vùng nông thôn ở Quảng Nam như Điện Bàn, Đại Lộc... người dân quê thích ăn loại bánh tráng đập to và dày hơn (trên 30 cm), có người còn mang ra ruộng... để ăn uống nửa buổi lấy sức làm việc tiếp. Và ở Sài Gòn, nhiều quán ăn cũng bán bánh đập na ná kiểu này.
Bánh tráng đập chỉ có ở những quán ven đường làng, ngõ xóm, hoặc được các bà mẹ quê, quảy (gánh) đôi thúng nhỏ đi bán dạo trên các nẻo đường quê, góc phố. Khách ăn cũng không cần ngồi ghế, bàn sang trọng chỉ cần một chỗ ngồi mát mẻ, sạch sẽ bên vệ đường một tay vừa nắm bánh, vừa bưng chén mắm, tay kia vừa bẻ bánh, vừa chấm và đưa lên miệng ăn ngon lành. Món ăn tuy dân dã, rẻ tiền nhưng được nhiều người ưa thích.
Ai đó đi Đà Nẵng thích ăn món này có thể ghé hẻm 144 Hoàng Diệu ăn thử. Ngon nhất là ăn ở quán Bà Già (ở Cẩm Nam, Hội An). Vào đó ăn bánh đập, chè bắp, hến xúc bánh tráng nữa thì ngon lịm. Quán Bà Già, có ông già tráng bánh, bà già chạy bàn phục vụ bên dòng sông Hoài êm đềm... ăn từ ngày còn đi học đâu dễ gì quên.
Thiện Nguyễn