Vài năm trở lại đây, bánh mì Việt Nam đã trở thành một món ăn nổi tiếng và được nhiều người nước ngoài yêu thích. Giống như Phở, người ta gọi bánh mì Việt Nam là "Banh mi", một cái tên riêng đầy ngưỡng mộ, chứ không phải là Vietnamese baguette hay Vietnamese sandwich. Đây thực sự là một dấu ấn khi mà bánh mì đã khiến người nước ngoài phải nhớ đến bằng cái tên riêng trong trí óc họ mỗi khi muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam. Với ba điều cơ bản: ngon-bổ-rẻ, bánh mì nhỏ bé của Việt Nam đã có thể hiên ngang sánh vai với những loại bánh kẹp thịt trên thế giới như Tacos (Mexico), Sandwiches (Anh) hay Baguettes (Pháp).
Về nguồn gốc, bánh mì là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Món ăn này bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam. Ban đầu, nó là một loại bánh sandwich kiểu Pháp với thành phần chính gồm bơ, thịt, pate và một số thành phần khác và là món ăn dành cho những người giàu có. Dần dần, các đầu bếp Việt Nam sử dụng thêm các nguyên liệu địa phương và bình dân hóa món ăn này.
Chỉ trong vài thập kỷ, bánh mì không chỉ là món quà sáng bình dân được ưa chuộng ở Việt Nam mà nó đang dần trở nên phổ biến và được bạn bè năm châu trên thế giới ca tụng. Khách du lịch nước ngoài, những ai từng cầm trên tay chiếc bánh mì, cắn vào lớp vỏ giòn rụm, thưởng thức nhân thịt, pate gan thơm nức, béo ngậy ăn kèm chút rau thơm sẽ khó có thể quên được hương vị tuyệt diệu của loại bánh này. Bánh mì ở Việt Nam thì có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, từ Bắc cho đến Nam, phổ biến nhất là những quán vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy với mức giá trung bình chỉ mươi mười lăm nghìn nhưng đủ khiến thực khách nhớ mãi.
Trong chuyến du lịch tới Hội An, Cameron Stauch - người từng là đầu bếp cho tổng thống Canada đã có cơ hội ghé thăm một tiệm nhỏ bán bánh mì nơi phố cổ và thích thú với món bánh mì ở đây. Ông quyết định tìm hiểu về quy trình làm bánh và nhận ra cái ngon của chiếc bánh nằm ở các nguyên liệu do chủ quán tự chế biến. Sau khi rời Việt Nam, ông không quên gợi ý cho bạn bè và các du khách quốc tế khác địa điểm lý thú này. Mới đây nhất, David Farley, một cây bút chuyên về du lịch và ẩm thực đã đăng bài viết của mình xoay quanh ổ bánh mì kẹp thịt Việt Nam trên BBC với tựa đề "Có phải bánh mì Việt Nam là bánh kẹp ngon nhất thế giới?". Trong đó ông cho rằng bánh mì Việt Nam là loại bánh mê hoặc nhất mà ông từng ăn trong đời.
Không bó hẹp ở Việt Nam, những chiếc bánh mì dần vươn xa đến với nền ẩm thực đường phố của thế giới và được tìm thấy nhiều nhất có lẽ là ở Mỹ. Cách đây hai năm, trên tờ Charleston City Paper của Mỹ, tác giả Robert Moss đã bày tỏ ấn tượng của mình trước sự tràn ngập với tốc độ chóng mặt của bánh mì Việt Nam trên thị trường ẩm thực nơi đây. Ông viết: "Đối với tôi, vào mùa hè này, món bánh mì của Việt Nam thực sự đã trở thành một hiện tượng ở Charleston. Nếu như chỉ hai năm trước đây, bạn không thể tìm thấy một chiếc bánh mì nào trong thành phố thì bây giờ chúng đang xuất hiện ở khắp mọi nơi - từ khu chợ của những người nông dân ở quảng trường Marion cho đến cửa sổ của một chiếc xe tải bán thực phẩm lưu động, hay trên bảng thực đơn tại các cửa hàng bán bánh sandwich ở trung tâm thành phố". Trong bài viết của mình, ông còn đặc biệt nhấn mạnh: "Bánh mì là một món ăn đường phố rất sáng tạo của người Việt Nam".
Không chỉ thưởng thức và dành tặng những lời khen cho bánh mì Việt Nam, nhiều người Việt ở nước ngoài hay chính những người bản địa đã quyết định phát triển món ăn này tại chính nơi họ sống. Họ đứng lên mở các nhà hàng từ bình dân đến sang trọng, thậm chí là bán bánh mì trên những chiếc xe tải lưu động ở khắp thành phố nơi họ sinh sống. Giờ đây, những quán bán bánh mì nổi tiếng của Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong cẩm nang những quán ăn nhanh của người Mỹ. Riêng tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ đã có những New Saigon Sanwich, Vietnamese Sandwiches & Bubble Tea, Banh Mi House, Banh Mi Nhu Lan, Banh Mi Ngon, Banh Mi Ba Le… Ở Anh không thể không nhắc tới quán Banh Mi 11 nổi tiếng do hai chị em người Việt mở. Hai người cho biết lý do mở quán là bởi họ không thể tìm thấy bất kỳ hàng bánh mì chuẩn vị Việt Nam nào ở London và cái tên Banh Mi 11 được đặt ra là do theo Anh và Vân, ăn bánh mì phải cắn đủ 11 miếng mới là chuẩn. Bánh được chở tới chợ Broadway để bán vào dịp cuối tuần và nguyên liệu thường được hai cô gái nấu sẵn tại nhà. Ngoài ra, ở Anh còn có bánh mì Kêu, Banh Mi Bay cũng khá được lòng thực khách. Ở Malaysia, có một thương hiệu bánh mì mang tên Ô Bánh Mì rất được người dân vô cùng yêu thích. Tại Bangkok, Thái Lan, có một xe bán bánh mì lưu động do cặp đôi Việt - Thái nhận được nhiều lời khen và sự chú ý. Tập đoàn Yum Brands sở hữu KFC và Pizza Hut thậm chí đã mở ra một tiệm bánh mì ở Texas và đặt tên là Banh Shop.
Cũng như nhiều món ăn ngoại lai khác, khi xuất hiện ở nước ngoài, bánh mì có rất nhiều biến thể khác nhau, tùy thuộc địa phương cũng như tay nghề của từng đầu bếp. Khi đó, món ăn sẽ không tránh khỏi việc có nhiều khác biệt so với nguyên bản. Nhưng chính tính chất “địa phương hóa” này tạo nên một sự đa dạng mang đậm bản sắc Việt Nam và thực khách có nhiều lựa chọn để có một chiếc bánh phù hợp khẩu vị nhất.
Xem hình ảnh một số cửa hàng bánh mì Việt trên thế giới |
Trần Quỳnh tổng hợp