
Chị Trương Nhung đam mê sáng tạo những món ăn mới lạ nhưng tiện dụng.
30 Tết mới là ngày nghỉ ngơi của gia đình chị Trương Thị Lê Nhung, hộ kinh doanh thực phẩm homemade trên phố Quán Sứ (Hà Nội). Trước đó là chuỗi ngày chị Nhung và người thân canh nồi bánh chưng 24/24, để phục vụ nhu cầu khổng lồ sắm những chiếc bánh chưng cốm, cẩm, gấc... ăn Tết do nhà chị làm ra.
Tết đến, nhà nhà lo sửa soạn mâm cỗ nhưng mang kèm nỗi lo thừa đồ ăn thức uống. Bên cạnh đó là câu hỏi về việc thưởng thức thực sự những món được cho không thể thiếu trên mâm cỗ Tết như bánh chưng, canh măng móng giò... Tuy nhiên, khách hàng của chị Nhung thường sẽ ăn hết những món này chị làm vì hai lý do: ngon và xót tiền.
Gia đình phố cổ bận rộn bên nồi bánh chưng vài trăm nghìn một chiếc
Chị Trương Thị Lê Nhung gắn bó với ẩm thực đã gần 30 năm với cảm hứng khởi nguồn được người ông truyền lại. Từ lâu, khách hàng rỉ tai nhau về các món ăn nhà làm độc đáo của người phụ nữ trên phố Quán Sứ. Có khách đến chẳng ngại mua nước uống hay lau bụi trên áo cho chị khi chứng kiến chị làm việc, vì tin cái tâm được gửi gắm trong từng miếng ngon họ thưởng thức.
Ba năm trước, chị xây dựng thương hiệu Madam Nhung và bắt tay đổi mới những chiếc bánh chưng. Chị Nhung quan niệm: "Mình phải luôn làm mới mình, nhưng vẫn trên nền móng truyền thống, vẫn lưu giữ được ký ức các cụ để lại". Để làm được điều đó, ai cũng nói chị Nhung phải yêu nghề lắm.
Bánh chưng thường được nói đùa là đúng như tên gọi, chỉ dùng để "chưng" Tết. Nó phải có trong mâm cỗ Tết nhưng nhiều người động đũa lấy lệ rồi chóng ngán. Con gái lớn của chị Nhung một lần nọ cũng muốn mẹ làm ra một loại bánh chưng mới và nảy ra ý tưởng "bánh chưng cốm". Chiều con, nhưng cũng vì muốn đem lại tính thưởng thức cho một món truyền thống thường bị đem đi rán cho dễ ăn, chị dày công thử nghiệm. Chị Nhung mua cồm làng Vòng ngon nhất, thâu đêm canh nồi bánh chưng, vứt đi cả trăm mẻ mới giải quyết được vấn đề "ngoài nát trong sống" do cốm nhão hơn gạo thông thường.

Bánh chưng cốm và cẩm Madam Nhung.
Khi đã vừa ý, chị Nhung đưa vào kinh doanh mặt hàng bánh chưng mới lạ với giá khởi điểm gấp đôi ba lần bánh thường. Hiện tại, bánh chưng cốm của Madam Nhung là mặt hàng được ưa chuộng hơn cả dù bán mỗi chiếc 200.000 đồng, sau 23 Tết là 230.000 đồng. Bên cạnh bánh chưng cốm và truyền thống, chị sáng tạo thêm bánh chưng cẩm, gấc, muối, tét ngũ hành (ngũ sắc), đều có giá trên dưới 200.000 đồng những ngày gần Tết.
Đắt đỏ là thế nhưng sát Tết, chị Nhung và 5-6 người túc trực vẫn phải đóng 800 - 1.000 chiếc bánh chưng một ngày mới đủ nhu cầu. Cả dịp Tết, gia đình chị Nhung bán khoảng 10.000 chiếc. Khách sắm Tết tìm đến chị liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, nhiều người thấy hết bánh này đành chuyển sang bánh khác nhưng nhất định mua của Madam Nhung. Có cô gái từ Pháp về tính mua mang sang cho đỡ nhớ mùi vị quê hương nhưng chỉ sợ chưa bay đã ăn hết, người khác thì nói đơn giản muốn đem đi du lịch ăn "chơi". Là cựu học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, chị Nhung còn được cô giáo, bạn bè quan tâm đến mua hàng và trao cho những cái ôm.
Chị Nhung cho biết bánh của mình đắt vì được làm kỳ công và từ nguyên liệu tuyển chọn. Những chiếc bánh từ cốm làng Vòng hay gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái) không chỉ đáp ứng yếu tố ngon, đẹp, lạ mà còn sạch. Gạo Tú Lệ ngốn chi phí nhập về bằng xe tải nhưng phải dùng hết, không để lâu hơn 10 ngày. Khâu gói bánh được chăm chút vuông thành sắc cạnh đến từng đường nét sao cho khi mở ra các góc lá vẫn không rách, bóc không bị dính và sạch đến lớp trong cùng. Khách thử bánh chưng Madam Nhung khen đỗ nhuyễn, thịt ba chỉ đều ba phần, nạc không bị khô và mỡ không ngấy. Bánh chay như gấc thì gồm nhân chân nấm, còn bánh muối thì được trộn tro cây muối rừng.
Không chỉ bán Tết, chị Nhung tiết lộ: "Gia đình chúng tôi bán bánh chưng đắt hàng quanh năm và hiếm ai như tôi dám bán bánh chưng lạnh". Chị chia sẻ bánh chưng của mình nếu để tủ lạnh, cho ra quay lò vi sóng vài phút vẫn nguyên hương vị, qua đó đáp ứng yếu tố tiện dụng. Bánh chưng Madam Nhung hâm nóng hoặc để nguội còn cho ra cái ngon đặc trưng khác nhau.

Mâm cỗ có đủ loại bánh chưng truyền thống, cốm, cẩm, gấc, muối và tét ngũ sắc, cùng các món khác chị Nhung sáng tạo.
Chị Nhung kể cứ khoảng 7 ngày giáp Tết, chị hầu như không ngủ. Ngày lo bán hàng, đêm lại tính toán bao nhiêu nguyên liệu để kịp gọi người chở đến vào sáng sớm. Lúc đóng xong đơn hàng cuối cùng ngày 29 Tết cũng là lúc chị "sập nguồn".
"Nhiều khi cả nể, khách hết người này đến người kia nói: 'Em ăn của chị cả năm rồi đấy, sao không bán?' là mình lại lao vào làm", chị Nhung tâm sự.
Trước thắc mắc liệu có thời gian sắm Tết cho gia đình, chị Nhung mỉm cười lắc đầu. Nhưng chị tâm sự mình "có phúc" vì lấy được nhà chồng tử tế, mẹ chồng hiểu và lo toan giúp.
Bà mẹ bốn con cũng được con cái đỡ đần nhiều công việc bán hàng tất bật ngày Tết. Cậu con trai tên Duy còn đi học, nghỉ Tết là quanh quẩn cửa hàng phụ giúp mẹ, từ bưng bê, lau dọn đến cân, đóng và ship hàng. Đằng sau đôi phút hậm hực với mẹ, Duy giãi bày: "Mẹ em đam mê lắm, cứ hay mày mò làm món này món kia nhưng vất vả. Tết năm ngoái, mẹ 7 ngày không ngủ đến 30 thì ngất và phải truyền nước".
Nhờ đam mê đó, chị Nhung không chỉ biến tấu ra năm, bảy loại bánh chưng mà còn một loạt thức nhà làm khác như đuôi lợn hun khói, xôi cốm, ruốc chơi vơi (vì vừa có thể ăn chơi, nhắm rượu, vừa có thể dùng trong bữa ăn)... Giá đều đắt đỏ so với mặt bằng chung nhưng được đặt hàng nườm nượp. Chị Nhung tâm niệm: "Phải luôn 'update' (cập nhật), sáng tạo những món tiện dụng không quá khó để làm, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu thưởng thức".
Thanh Tùng