Chạy xe dọc đường ở các tỉnh miền Tây, thi thoảng du khách dễ bị thu hút bởi những chiếc tủ kiếng xếp đầy mâm bánh cam, bánh còng - thức quà vặt được rất nhiều trẻ em ưa chuộng. Hai loại bánh này khá phổ biến, thường được bán cùng nhau như bộ đôi có vị ngọt, béo, thơm và màu cam bắt mắt. Lâu dần, tiếng rao "bánh cam, bánh còng đây" trở nên quen thuộc với dân địa phương. Du khách có thể tìm mua món này tại các quầy hàng rong trong khu vực gần chợ Cần Thơ (Cần Thơ), hay chợ Châu Đốc (An Giang).
Bánh cam là tên gọi của người miền trong vì nó có hình dáng tròn như quả cam, người miền ngoài gọi đây là bánh rán. Còn bánh còng được tạo hình giống bánh donut, dạng vòng tròn như một chiếc vòng. Người miền Tây thường gọi chiếc vòng là cái còng, cũng là xuất xứ tên của món bánh này. Sở dĩ hai loại bánh này thường được bán cùng nhau vì nguyên liệu làm bánh na ná, chỉ khác ở chỗ bánh cam có nhân đậu xanh, bánh còng không có nhân. Do đó, một số người địa phương cho rằng bánh còng ra đời để phân biệt với bánh cam nhân đậu xanh cho dễ.
Bột bánh được làm từ bột nếp và bột gạo. Một số nơi cho thêm ít khoai lang vàng vào trong phần bột để tạo độ bùi, thơm. Phần nhân được làm từ đậu xanh đánh và đường, sên thành viên tròn. Sau khi nhồi bột, người ta cán mịn, cắt thành miếng tròn, cho nhân vào giữa rồi gói lại, vo viên. Riêng bánh còng, người ta nặn bột bánh thành dây dài rồi nối lại thành chiếc vòng. Bánh tạo hình xong sẽ được lăn qua mè trắng rồi thả vào chảo dầu, chiên vàng.
Sau khi chiên xong, bánh được để nguội trước khi rưới lên một lớp nước đường có vị ngọt thanh trông giống mạch nha, khiến màu cam của chiếc bánh càng óng, đẹp mắt. Ngoài bánh cam được phủ nước đường, bánh được áo đường trắng dành cho thực khách không quá hảo ngọt.
Chiếc bánh ngon phải có vỏ giòn, lớp đường bên ngoài không quá dẻo. Điều đặc biệt ở bánh cam là phần nhân và vỏ bánh tách rời nhau, không dính chặt lại. Cắn một miếng, thực khách cảm nhận ngay độ giòn từ vỏ bánh, đến nhân đậu xanh bùi bùi, thơm thơm và bột bánh chiên dậy mùi hấp dẫn.
Bài và ảnh: Vi Yến