Có mặt ở Sa Pa (Lào Cai) lúc 1h30 sáng nay, một du khách Hà Nội mô tả khu vực nhà thờ đá có băng đóng dày, phủ trắng xóa. "Lác đác đã có một vài bông tuyết đọng trên mái nhà dân", du khách cho biết.
Tại đỉnh Phia Oắc (Nguyên Bình, Cao Bằng), nơi có độ cao hơn 1.900 m so với mực nước biển, từ 13-14h chiều, khu rừng phòng hộ được bao phủ một màu trắng xóa.
Tại Hà Giang, người dân thị trấn Phó Bảng và các xã Sủng Là, Tả Phìn, huyện Đồng Văn, trưa nay chứng kiến trận mưa đông kết kéo dài vài chục phút. Hạt mưa từ trên cao rơi xuống, mật độ thưa, kích thước hạt đá nhỏ.
Tại đỉnh núi Tả Dú, gần trung tâm thị trấn Mèo Vạc, bằng tuyết xuất hiện dày đặc từ sáng nay và hiện bắt đầu tan chậm.
Theo ghi nhận của người dân địa phương, trừ mưa đông kết ở một số nơi, phần lớn các khu vực có băng giá trời không mưa. So với buổi sáng, nhiệt độ đang giảm thấp khoảng 1-2 độ C.
Không khí lạnh mạnh tràn xuống miền Bắc vào đêm 13/12 sau đó liên tục được bổ sung khiến vùng đồng bằng, trung du rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ trở xuống), vùng núi rét hại (trung bình ngày từ 13 độ trở xuống).
Cơ quan khí tượng dự báo, đêm nay nhiệt độ các tỉnh miền núi tiếp tục xuống thấp. Khả năng băng giá, mưa đông kết sẽ xuất hiện nhiều nơi.
Mưa đông kết ở Hà Giang trưa 16/12.
Tháng 12 được xem là chính đông, nhiệt độ thường xuống thấp nhất trong năm và hay xuất hiện các hiện tượng băng giá, mưa đông kết, tuyết. Thời điểm này 2 năm trước, tại nhiều khu vực miền núi tuyết rơi dày đặc.
Năm 2015 do ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ miền Bắc được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm, người dân sẽ trải qua một mùa đông ấm. Rét đậm, rét hại vẫn có, nhưng không kéo dài.
* Thế nào là mưa đông kết? Trong đám mây gây mưa có những hạt nước rất lạnh và hạt đá nhỏ. Khi rơi xuống gần mặt đất, gặp nhiệt độ thấp, những hạt đá nhỏ, giọt nước rất lạnh kết lại tạo thành các mảng băng phủ kín mặt đất.
VnExpress