Bốn năm về trước, vào thời điểm khi con trai lớn sắp vào lớp 1, tôi đã vô cùng băn khoăn khi phải chọn trường cho con. Vào cái thời mà giáo dục trăm hoa đua nở, khi các trường tư mọc ra ngày càng nhiều, khi trên các diễn đàn của phụ huynh có hàng trăm nghìn các ý kiến trái chiều, trong đó có không ít những topic được lập ra nhằm PR cho trường này hoặc dìm chết trường kia, khi quảng cáo vẽ nên những viễn cảnh hết sức tươi đẹp trong khi thực tế chưa chắc đã được như vậy, thì phụ huynh thường có cảm giác như mình đang đứng trước một mê cung, không biết lối ra.
Trong 3 năm, con trai lớn của tôi đã kinh qua 2 trường học khác nhau, do trường thứ nhất xa quá, không có người đưa đón nên tôi buộc phải chuyển con tới trường gần nhà. Trường thứ nhất và trường thứ 2 mà con học là hai mô hình khác nhau, hướng tới hai mục tiêu khác nhau.
Trong ba năm, tôi cũng được mời làm tư vấn chương trình, dự giờ giáo viên, đào tạo giáo viên cho một số trường tư thục, quốc tế, công lập trong Hà Nội, lại có cơ hội được đào tạo giáo viên và tiếp xúc với học sinh của vài chục trường học khác trong cả nước. Những trải nghiệm này khiến cho tôi hiểu biết hơn và có một cái nhìn bao quát hơn (so với mình trước đây) về các mô hình trường học hiện nay. Từ những hiểu biết thực tế này, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để chọn trường cho con trai thứ 2. Đó là:
1. Không có trường học lí tưởng, hoàn mĩ, chỉ có trường học phù hợp.
2. Vì thế, thay vì tham khảo quá nhiều ý kiến của người khác, trước tiên bạn cần tự hỏi: Thu nhập của tôi là bao nhiêu? Con tôi có năng lực gì, điểm yếu của con tôi là gì? Mục tiêu mà tôi muốn đặt ra cho con trong 5 năm tới, 12 năm tới là gì?...
3. Trước khi thu thập các lời đồn đại, bình luận về trường, hãy dành ra ít nhất một lần tới ngôi trường đó, tự quan sát và cảm nhận không khí trường học, cách ứng xử của bảo vệ, giáo viên, học sinh, hiệu trường, hỏi han các thông tin chi tiết về chương trình học, hoạt động của trường... Bạn nên cảm nhận về trường học như nó vốn có, chứ không phải là qua con mắt thiên kiến của một người nào đó khác.
4. Sau khi có cái nhìn tổng quan về vài ngôi trường, bạn nên ngồi lại và lập ra một bảng chấm điểm trường học, trong đó mỗi nhu cầu và mục tiêu của bạn được cụ thể hóa ra bằng những tiêu chí có thể đo đếm và khảo sát được. Đến đây, bạn sẽ biết được mình thực sự mong đợi điều gì và ngôi trường nào thực sự phù hợp với con bạn và với gia đình bạn.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, tôi đã tạo ra một bảng chấm điểm trường học, để chọn trường cho con trai thứ 2, hy vọng sẽ là một công cụ hữu ích cho bạn, giúp bạn có thể đo lường được mức độ phù hợp của các trường học. Bạn cũng có thể điều chỉnh các tiêu chí, mức điểm cho phù hợp với quan điểm của mình.
BẢNG CHẤM ĐIỂM TRƯỜNG HỌC
Mục tiêu của bạn | Tiêu chí đánh giá | Điểm tối đa | Đánh giá của bạn |
Con được phát triển thể chất tốt | Sân trường rộng, nhiều cây xanh | 1 | |
Trường có sân chơi, sân vận động an toàn cho học sinh | 1 | ||
Hành lang và sân trường sạch, thùng rác được đặt ở nơi dễ phát hiện, tiện lợi | 1 | ||
Trường nằm trong khu vực dân cư có mật độ trung bình, không quá đông đúc | 1 | ||
Trường cách nhà không quá 2 km, điều kiện đi lại thuận lợi, giao thông không ùn tắc vào giờ cao điểm | 1 | ||
Trường nằm gần các không gian công cộng nhiều cây xanh như vườn hoa, bảo tàng, công viên | 1 | ||
Lớp học thoáng đãng, nhiều cửa sổ nhưng không có gió lùa | 1 | ||
Diện tích lớp học đủ rộng, bàn học của học sinh cách bảng ít nhất 3m | 1 | ||
Phòng học có ánh sáng tự nhiên nhưng không bị ánh sáng chiếu vào trực tiếp, đặc biệt là vào mùa hè | 1 | ||
Phòng học có điều hòa | 1 | ||
Bàn ghế không có góc nhọn, có kích thước phù hợp với cơ thể của học sinh | 1 | ||
Hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo... | 1 | ||
Bếp ăn sạch sẽ, có nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo, thực đơn được niêm yết cho phụ huynh | 1 | ||
Có khu vực ngủ riêng, đầy đủ chăn gối, chăn gối được vệ sinh thường xuyên | 1 | ||
Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay | 1 | ||
Con nắm vững kiến thức cơ bản để có thể học chắc ở các bậc học cao hơn | Chương trình, sách giáo khoa đã được kiểm nghiệm bởi các tổ chức có uy tín hoặc đã được thực nghiệm thành công ít nhất 5 năm | 1 | |
Giáo viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm | 1 | ||
Giáo viên thường phản ánh trung thực và kịp thời những vấn đề của học sinh cho phụ huynh | 1 | ||
Giáo viên được tuyển dụng từ những cơ sở đào tạo có uy tín, khâu tuyển dụng công bằng và minh bạch | 1 | ||
Giáo viên được đào tạo lại sau khi được tuyển dụng vào trường một cách thường xuyên | 1 | ||
Lớp học có kỉ luật, không quá nuông chiều học sinh và phụ huynh | 1 | ||
Lớp học không quá 30 học sinh | 1 | ||
Có kênh liên lạc thường xuyên giữa nhà trường và phụ huynh | 1 | ||
Nhà trường có chính sách hỗ trợ riêng đối với học sinh kém, học sinh cá biệt | 1 | ||
Nhà trường tạo cơ hội cho những học sinh giỏi được phát triển năng khiếu | 1 | ||
Thư viện thân thiện, được đặt ở trung tâm của trường học, học sinh được tự do chọn sách, đọc sách và mượn sách về nhà | 1 | ||
Thư viện được đặt tại lớp học | 1 | ||
Nhà trường có chính sách khuyến khích việc đọc sách của học sinh | 1 | ||
Thời lượng của môn ngoại ngữ được gia tăng so với yêu cầu của Bộ giáo dục | 1 | ||
Con có một môi trường học tập thân thiện, dân chủ, thoải mái | Các học sinh trong trường cảm thấy hạnh phúc và thích đến trường | 1 | |
Nhà trường có nhiều câu lạc bộ phù hợp với nhiều sở thích khác nhau của học sinh | 1 | ||
Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện cho phép tất cả các học sinh tham gia | 1 | ||
Nhà trường có mối liên hệ gắn kết với các cộng đồng xã hội bên ngoài | 1 | ||
Hội phụ huynh hoạt động tích cực, có tiếng nói và đóng góp về ý tưởng, vật chất và tinh thần cho các hoạt động của nhà trường | 1 | ||
Nhà trường không quá chú trọng vào thi cử và thành tích | 1 | ||
Lượng bài tập về nhà không quá nhiều | 1 | ||
Chi phí phù hợp với điều kiện của gia đình bạn | Học phí không quá 1/10 thu nhập của gia đình | 1 | |
Các khoản phụ thu không quá 1/10 học phí | 1 | ||
Trường có chính sách học bổng cho học sinh xuất sắc | 1 | ||
Con được bồi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách | Lãnh đạo trường là người tâm huyết, có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, có tầm nhìn và quan điểm giáo dục riêng | 1 | |
Lãnh đạo trường có ứng xử thân thiện, tôn trọng, nghiêm túc trong mọi mối quan hệ | 1 | ||
Nhà trường có chương trình giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh | 1 | ||
Nhà trường thường xuyên tổ chức những sự kiện từ thiện, các hoạt động xã hội nhằm hướng học sinh tới những giá trị sống tốt đẹp như yêu thương, trách nhiệm | 1 | ||
Các môn Văn học, nghệ thuật được đặt ở vị trí ưu tiên trong các môn học của nhà trường | 1 | ||
Giáo viên trong trường có ứng xử thân thiện, tôn trọng học sinh | 1 | ||
Học sinh trong trường ứng xử lịch sự, có kỷ luật và biết tôn trọng người khác | 1 | ||
Tất cả các nhân viên trong trường như tạp vụ, kế toán, bảo vệ đều ứng xử có trách nhiệm, lịch sự và tôn trọng người khác | 1 | ||
Nhà trường thường xuyên có những buổi hội thảo, trao đổi với phụ huynh về vấn đề giáo dục nhân cách của trẻ | 1 | ||
Con được phát triển năng khiếu, có thành tích cao trong học tập | Trường thường xuyên được giải cao trong các kì thi | 1 | |
Trường có nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong việc dạy học sinh giỏi | 1 | ||
Trường có chương trình đào tạo riêng đối với học sinh giỏi | 1 | ||
Trường tạo cho học sinh nhiều cơ hội để cọ xát, thi đua với học sinh ở những nơi khác | 1 | ||
Trường thường xuyên mời các chuyên gia tới giảng dạy cho học sinh giỏi | 1 | ||
Học sinh đã tốt nghiệp của trường thành công trong học tập và công việc | 1 | ||
Học sinh trong trường được sàng lọc qua một kì thi đầu vào với yêu cầu cao, được tổ chức công bằng, minh bạch | 1 | ||
Trường có liên kết đào tạo với nước ngoài, thường xuyên giới thiệu cho học sinh và phụ huynh các học bổng, chương trình du học | |||
Con cần được hỗ trợ đặc biệt về tâm lí, trí tuệ, hành vi | Nhà trường có chương trình giáo dục riêng cho trẻ tự kỉ, học sinh cá biệt, học sinh kém | 1 | |
Nhà trường thường xuyên có những hội thảo về giáo dục đặc biệt, cho phép cả giáo viên và phụ huynh tham gia | 1 | ||
Giáo viên có kinh nghiệm trong việc dạy học sinh cá biệt, học sinh kém | 1 | ||
Lớp học không quá 20 học sinh | 1 | ||
Nhà trường không đề cao thành tích trong thi cử | 1 | ||
Nhà trường có những giáo cụ, phương pháp dạy học riêng phù hợp với những học sinh kém, học sinh cá biệt | 1 | ||
Tổng điểm |
Nguyễn Ngọc Minh
Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc Minh hiện là giảng viên tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị cũng là người sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc Sách ơi, mở ra. Đề tài viết của chị về nhiều khía cạnh đời sống và một trong số đó là giáo dục trẻ em. Những chia sẻ được đúc rút từ chính kinh nghiệm thực tế và kết quả nghiên cứu khoa học của chị được nhiều người đón nhận. |