Sau trận thua 0 - 31 trước đối thủ Australia ở vòng loại World Cup 2001, đội tuyển quốc gia Samoa thuộc Mỹ (American Samoa) "chết danh" đội bóng đội sổ thế giới. 10 năm qua đi, tình hình chẳng khá khẩm lên chút nào, họ vẫn cứ là những chân sút chưa một lần ghi bàn.
Thomas Rongen vốn là huấn luyện viên tên tuổi lẫy lừng, nhưng bản tính nóng nảy và cộc cằn. Chửi bới, đánh lộn anh không thiếu "món" nào, cũng chẳng kiêng dè ai, trên sân cỏ. Sự nghiệp lao đao, hôn nhân đứt gãy, Thomas không còn lựa chọn nào khác ngoài bay nửa vòng Trái đất đến quốc đảo Samoa thuộc địa của Mỹ, "đèo bòng" đội bóng ai cũng ngao ngán lắc đầu.
Một ông huấn luyện viên tính nóng như lửa và thích trên phân người khác đụng độ một tổ hợp năng lực có hạn mà tự ái vô biên - phần mở màn như vậy đủ báo hiệu hành trình lắm nỗi bi hài, trong bốn tuần họ tập luyện trước thềm vòng loại cúp bóng đá danh giá nhất hành tinh.
Thực tế, một người lắm tài nhiều tật bất đắc dĩ đồng hành với những người lành tính nhưng năng lực hạn chế đã là motif quen thuộc của điện ảnh thế giới, đặc biệt trong các phim chủ đề thể thao hay âm nhạc. Gần nhất, ở phim Dream của điện ảnh Hàn, Park Seo Joon cũng vào vai danh thủ vướng lùm xùm đời tư, buộc phải huấn luyện đội bóng nghiệp dư đại diện quốc gia dự tranh cúp bóng đá vô gia cư thế giới.
Dù vậy, qua lăng kính trào phúng đặc trưng của đạo diễn Taika Waititi, concept phim quen thuộc vẫn lớp lang hấp dẫn, làm người xem không ngừng cười nhưng vẫn thấm thía nhiều triết lý nhân sinh. Ở tác phẩm thắng giải kịch bản Oscar 2019 Jojo Rabbit, nhà làm phim gốc New Zealand cũng từng kể câu chuyện con trẻ đậm tiếng cười để tố cáo tội ác của Phát xít. Ông còn được yêu mến khi làm dày chất hài châm biếm ở hai phần phim gần nhất của bom tấn Thor.
Trong Bàn thắng vàng (Next Goal Wins), Taika Waititi còn xuất hiện với vai trò cameo - ông mục sư dẫn truyện, là diễn viên đầu tiên lộ diện trên màn ảnh. Dựa theo câu chuyện có thật, ông tái hiện hình ảnh đội bóng to xác nhưng yếu thể lực và kỹ thuật đến độ cầu thủ vừa ra sân, khán giả quê nhà đã chua chát cảm thán: "Chưa chi tôi đã thấy xấu hổ rồi!".
Những ngày dài tập hoài không tiến bộ nhưng hễ nghe tiếng chuông báo giờ thiêng, họ lại ngồi thụp xuống đất, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm lời nguyện cầu gửi đến Chúa. Thói quen răm rắp lặp lại mỗi ngày, bất kể lúc đang tập luyện hay thi đấu giả lập. Với những chân sút thổ dân, phụng sự Chúa là nghĩa vụ tối thượng. Còn với người ngoại đạo như Thomas, đức tin của họ chỉ làm anh thêm nóng máu.
Thua năm này qua năm khác là vậy, các cầu thủ của Samoa thuộc Mỹ chưa từng nghĩ đến hai chữ "rời bỏ". Bởi với họ, được đá bóng quan trọng hơn chiến thắng. Ai trong số họ cũng làm đủ thứ nghề để nuôi đam mê sân cỏ. Ngay cả chủ tịch Liên đoàn bóng đá địa phương cũng vừa kinh doanh nhà hàng vừa làm quay phim cho đài truyền hình quốc gia, để có chi phí trang trải cho các "danh thủ" của mình.
Vốn là người có tương lai rộng mở nhất trong lứa thanh niên ở quốc đảo, Jaiyah hoàn toàn có thể ở lại Hawaii hoàn thành chương trình đại học rồi tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Nhưng cô vẫn lựa chọn trở về quê nhà, kề vai các đồng đội trong vòng loại World Cup.
Đây là một chân sút đặc biệt của đội, một người đang trong quá trình uống hormone chuyển đổi giới tính.. Sự quyết liệt ở lại của Jaiyah phá bỏ ranh giới của những quy định cứng nhắc về mặt ngoại hình, sinh lý của các chân sút trên sân cỏ.
Ngoài đời thật, Jaiyah được ghi nhận là cầu thủ đầu tiên trên thế giới công khai thuộc cộng đồng LGBTQ+. Nhiều năm sau này, cô đảm nhận vai trò đại diện của hoạt động bình đẳng giới tại FIFA.
Còn trên màn ảnh, chân dung Jaiyah được thể hiện bởi diễn viên chuyển giới Kaimana. Cô là người thổ dân Polynesia ở châu Đại Dương, ghi danh casting vì thấy đồng điệu với câu chuyện của nhân vật. Lần đầu đóng phim nhưng Kaimana vào vai đầy duyên dáng, khắc họa nét mềm mại tính nữ hòa hợp cùng vẻ hoang dã thổ dân và tinh thần gai góc đậm tính thể thao. Sự hiện hữu của cô là dấu ấn truyền cảm hứng về tinh thần dám sống thật với bản ngã và đam mê của mỗi người.
Samoa là tộc thổ dân ở châu Đại Dương, với một nửa là quốc gia độc lập và một nửa thuộc Mỹ, được chia làm hai hòn đảo. Nhưng đầu phim, đạo diễn ví von nam chính Thomas chính là hòn đảo đối trọng với Samoa thuộc Mỹ, ngụ ý vị huấn luyện viên xa cách các cầu thủ của mình cả về xuất thân, địa vị lẫn tư tưởng. Hành trình chinh phục một bàn thắng trên sân cũng là hành trình đôi bên kết nối.
Khi đón Thomas đến làm huấn luyện viên, ông Tavita chủ tịch Liên đoàn bóng đá nói họ chỉ cần một bàn thắng đủ để họ xóa bỏ cái mác đội bóng tệ nhất toàn cầu. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng Thomas cho rằng hoàn toàn bất khả. Khi nghe giọng Thomas đầy tự ti: "Tôi không thể thắng được đâu", ông Tavita bình tĩnh đáp lời: "Vậy cứ thua đi. Nhưng đừng thua một mình. Thua cùng bọn tôi đây này".
Không những xem thường các cầu thủ, chính Thomas cũng canh cánh nhiều nỗi hoang mang. Anh sợ thất bại trong ván cược sự nghiệp của mình. Anh sợ nhìn thẳng vào những mất mát trong đời tư. Anh sợ phải thừa nhận mình trắng tay trong mọi sự.
Từng thành viên của đội bóng cũng chọn trốn trong góc phòng, gói ghém nhiều nỗi sợ phía sau vẻ ngoài lạc quan quen thuộc. Thủ thành tài năng 10 năm ôm nỗi ám ảnh để thủng lưới 31 lần. Jaiyah hoảng loạn vì bản dạng giới của bản thân bị đem ra làm trò đùa trên sân cỏ.
So với vật lộn với trái banh và những gã đối thủ cao lớn trên sân, vật lộn với những rạn vỡ trong tâm lý chính mình càng là thử thách khó khăn hơn đối với các nhân vật. Nhưng giống như trận đấu thể thao, họ không có cách nào đi qua ngoài đối diện với mọi biến cố xoay vần và đối thoại với nội tâm chính mình.
Nước Mỹ của Thomas có thể vượt trội quốc đảo Samoa nhiều thứ, nhưng đôi khi nhận thức của họ chẳng thể cởi mở bằng những thổ dân bản địa. Điển hình là góc nhìn về người đồng tính, song tính và chuyển giới; cũng như lối sống bản lĩnh giữa nghịch cảnh. Mang danh đến giúp họ nhưng rốt cuộc Thomas được chữa lành và gợi mở nhiều thứ nhờ vùng đất sùng đạo, hoang dại và hào sảng này.
Từ chuyện thật bước lên màn ảnh, Bàn thắng vàng là cuốn phim truyền cảm hứng đẹp đẽ, khơi gợi nhiều xúc cảm và tái hiện một vùng đất đặc sắc cả về cảnh quan lẫn văn hóa. Xem phim trong rạp nhưng khán giả đôi khi ngỡ đang theo dõi một trận túc cầu thực sự, thót tim theo những phút đối đầu căng thẳng và hân hoan vì những khoảnh khắc đẹp của thể thao.
Dàn nhân vật đông đúc nhưng mỗi người đều được làm rõ cá tính, câu chuyện nền, có dấu ấn riêng biệt. Vẻ đẹp thiện lương trong từng con người gửi gắm thông điệp về bứt phá trong nghịch cảnh, tạo dựng sân khấu của mỗi người. Phim ra rạp từ 29/12.
Phong Kiều