Văn Sen
Một người bạn trong Friendlist đã gửi cho tôi tin nhắn như vậy sau khi tôi có ý kiến vì nhận thấy anh đã copy một entry trong blog của tôi mà không nói trước một tiếng, đồng thời đăng lên blog cá nhân một cách "trôi sông lạc chợ", không đầu không đuôi, không nguồn gốc!
Tôi quan niệm: blog đơn giản chỉ là loại văn chương... xả stress, một loại tạp bút có thể viết đủ thứ chuyện mà mình và bạn bè có thể đọc chơi và suy ngẫm với nhau. Nó không phải là nơi để ai đó khoe khoang ý tưởng cao siêu, ngòi bút bén nhọn hay tự biến mình thành "thần tượng" của những blogger khác.
Thật ra, tôi còn cảm thấy vui khi có người đồng cảm, yêu thích bài mình viết và muốn chia sẻ nó với nhiều người khác. Nhưng mà trong cái niềm vui vu vơ đó, mặc dù blog không phải một thành tựu văn học lớn lao gì như tôi đã nói, tôi vẫn thấy sự cần thiết nêu rõ tên tác giả và địa chỉ blog của bài viết nguyên gốc, dù cho tôi chỉ muốn mượn một câu, một ý, một tấm hình đẹp hay là toàn bộ bài viết của tác giả.
Đó là cách mà những người có học tôn trọng nhau trong tinh thần học hỏi chân chính, tôn trọng bản chất nhân văn của blog dù entry thuộc thể loại gì: phiếm văn để mua vui hay luận văn để chiêm nghiệm về đời sống.
Qua profile tôi được biết anh bạn trên học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (không biết rõ là ngành gì). Tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Bởi một ngôi trường đầu ngành ở Việt Nam về nhân văn học hẳn đã phải dạy bài học vỡ lòng cho sinh viên về 'nghĩa vụ tôn trọng tác giả và tác phẩm' ngay từ những ngày đầu tiên chập chững vào trường.
Nó cơ bản và cần thiết như "sữa mẹ" ngày qua ngày nuôi lớn tư tưởng của một đứa con học Văn, học Viết sau này. Vậy mà anh bạn có lẽ ngủ quên trong những giờ học đó? Hay là anh không cảm thấy sự cần thiết để áp dụng luật bản quyền vào thế giới blog mới toanh này, như cách anh bạn nói "nguồn tài nguyên mạng là vô cùng"? Ừ, nó vô cùng thật nhưng nó cũng là thành tựu chung của nhiều suy nghĩ, của ý tưởng, của cách viết, của cách biên tập từ nhiều con người.
Nó không phải là ơn huệ của thiên nhiên có sẵn ra đó cho chúng ta tha hồ mà rút tỉa vô tội vạ và tùy ý, y như cách ta khai thác khoáng sản. Trên mạng, mọi thứ cũng đều có lý lịch rõ ràng như mọi đứa trẻ có khai sinh ghi rõ tên mẹ, tên cha của chúng.
Ở nơi tôi học, bất cứ trích dẫn trực tiếp (direct quotation) hay dựa theo ý tưởng (paraphrase) từ sách, từ một trang viết vu vơ hoặc từ mạng Internet (electronic resources), dù chỉ rất ngắn ngủi, tôi luôn phải ghi rõ tên tác giả, số trang, tên nhà xuất bản, năm xuất bản, tên website, số đọan văn mà tôi "mượn ý tưởng", ngày truy cập (retrieved on)... Thời gian mới làm quen với cách thức quy củ này tôi thấy cực kỳ phiền phức và khó chịu. Nhưng rồi từ từ tôi hiểu ở những xứ sở văn minh họ rất coi trọng tài nguyên trí tuệ.
Anh có tôn trọng quyền tác giả thì anh mới thấm thía nổi trọn vẹn tác phẩm và mới dấy lên niềm tự hào về chính những gì anh viết ra về sau. Cho nên mọi trích dẫn không có đầy đủ lai lịch, cố tình mập mờ giữa cái của ta và cái của người, đều sẽ phạm vào tội đạo văn (plagiarism). Nếu giáo sư phát hiện ra, nhẹ nhẹ và nương tay thì tôi có thể lên văn phòng "trà dư tửu hậu" với trưởng khoa vài chục phút, còn nặng thì tôi có thể thu dọn locker để kiếm trường khác mà học là vừa!
Việc mượn các entry trong blog của nhau, tôi thấy nó bình thường và còn có nhiều ích lợi nếu được tiến hành dựa trên tinh thần tôn trọng, học hỏi giữa các blogger. Tôi phải nói dài dòng sang cả chuyện đạo văn như trên vì tôi nghĩ việc nhỏ (như blog) chúng ta không thấy quan trọng thì việc lớn (như luận án tốt nghiệp) chắc cũng "no star where", vô tư mà khai thác "nguồn tài nguyên vô tận"? Ở Việt Nam chuyện tôn trọng bản quyền, thậm chí ở giới học thức cao như sinh viên Đại học, hình như bị coi nhẹ lắm...
Riêng với người bạn của tôi: Tôi không có ý nói cạnh khóe nặng nhẹ gì với anh đâu, anh đừng nghĩ tôi "chảnh", oan cho tôi thiệt!
Tôi chỉ ước ao cái gì đúng và cần thiết thì chúng ta cùng nhắc nhở nhau đừng quên. Có như vậy thì thế giới blog của người Việt chúng ta, không chỉ nhiều những điều hay, bổ ích, đáng học hỏi mà còn đầy đủ bản chất cần thiết để hội nhập thế giới văn minh.
Vài nét về blogger:
Nói gì giờ nhỉ? Thôi thì không nói... - Văn Sen, bạn sẽ chỉ còn lại những gì đã cho đi.