Ông Quân nói tiếp: "Vài hôm nữa chúng tôi sẽ phát hành văn bản chấn chỉnh việc quản lý sử dụng nhà công vụ (NCV) nhằm hướng dẫn thêm cho các địa phương hiểu đúng việc bán nhà theo nghị định 61. Thật ra đối với NCV thì Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản rồi. NCV hiểu theo Luật nhà ở là quĩ nhà của nhà nước được dùng vào việc công, chứ không đặt vấn đề bán NCV bao giờ. Trường hợp mấy đồng chí vừa rồi là NCV được “biến báo” bằng cách chuyển thành nhà ở rồi hóa giá bán theo nghị định 61, chứ có ai dám nói bán NCV đâu.
Sau khi nghị định 61 ra đời, đối với những nhà độc lập như nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa hay các nhà độc lập khác ở Hà Nội và TP HCM, nếu muốn bán phải có đề án, có chương trình chứ không phải cứ nhà của Nhà nước là đem bán theo nghị định 61. Theo Luật nhà ở, Nhà nước vẫn phải có quỹ nhà chứ làm sao bán hết tất cả được. Vì thế, phải xem lại nhà của anh Nghiên xin mua có nằm trong đề án đấy không.
- Theo đề án bán biệt thự của Hà Nội năm 1996 thì biệt thự ông Nghiên xin mua thuộc diện không bán?
- Không được bán mà bán là sai rồi. Tôi đang nói Cục Quản lý nhà đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội phải có báo cáo. Nếu việc bán nhà sai thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu trách nhiệm.
- Theo thông tin ông nắm được, tình trạng biến NCV thành nhà sở hữu tư nhân tại các địa phương hiện nay như thế nào?
- Tình trạng đó không nhiều lắm. Vụ nhà mấy ông cán bộ này là do cách làm tùy tiện, trong đó có thể có lý do tế nhị nào đấy chứ bán NCV đâu phải dễ, phải có đề án được duyệt. Nếu không họ “xắn” hết biệt thự, nhà độc lập thì chết.
- Nhưng thực tế là vẫn xảy ra tình trạng NCV biến thành nhà sở hữu tư nhân?
- Khi có chuyện như vậy thì cũng phải nói rằng trong quản lý của chúng ta nhất định có một khâu sơ hở nào đấy. Ví dụ việc chuyển nhà công sản (nhà 6 Lý Thái Tổ của ông Lê Đức Thúy, thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN) là... hơi bị lẫn lộn. “Ông” chuyển thành nhà ở rất dễ dàng rồi đem bán đi rất dễ dàng thì rõ ràng việc quản lý là không chặt.
- Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng qui chế quản lý NCV?
- Tôi có nói với Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rằng đang có chuyện lẫn lộn về quản lý NCV trong bộ máy quản lý nhà nước. Bộ Xây dựng có Cục Quản lý nhà, Bộ Tài chính có Cục Quản lý công sản. NCV cũng là công sản, công sở cũng là công sản. Vậy ai quản, ai giữ thì không rõ.
Hiện nay, Bộ Tài chính quản lý ở góc độ tài sản công thì có bất cập ở chỗ tài sản công dưới dạng nhà thì không chỉ quản lý trên sổ sách. Giá trị bất động sản khi lên, khi xuống. Giá trị trên giấy thì xuống nhưng giá trị thực tế có khi lại lên. Bây giờ quản thế nào cho hiệu quả thì sắp tới sẽ tổ chức bàn vấn đề này để hoàn thiện thêm chính sách, để xảy ra những chuyện vừa rồi thì rõ ràng mình có những sơ hở.
Ví dụ nhà anh Thúy mua rồi đăng ký sổ đỏ, nếu về mặt pháp lý là tài sản của anh Thúy. Nhưng ở đấy có sự biến từ tài sản công thành nhà ở, rồi bán hóa giá. Do đó, phó thủ tướng nói Bộ Xây dựng sẽ chủ trì một cuộc họp cùng với Bộ Tài chính để đưa ra những qui tắc về quản lý theo tinh thần sử dụng tài sản nhà nước một cách có hiệu quả.
Yêu cầu báo cáo quy trình cấp nhà cho ông Lê Đức Thúy
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi biết cho đến khi tôi thôi giữ chức vụ thống đốc NHNN vào tháng 10/1997 (khi nghị định 61 đã có hiệu lực hơn hai năm), NHNN có chế độ bố trí nhà công vụ cho cán bộ ở trong trường hợp các đồng chí đó có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, khi chuyển công tác sang cơ quan khác thì các cán bộ này đều phải trả lại nhà. Đối với các lãnh đạo của NHNN cũng vậy. Và đến khi tôi rời vị trí công tác này, chưa có trường hợp nào hóa giá nhà công vụ cho các cá nhân lãnh đạo tại NHNN. Riêng đối với trường hợp nhà số 6 Lý Thái Tổ (nhà ông Lê Đức Thúy), việc quản lý lúc đó do đồng chí Nguyễn Đức Lượng (nguyên phó thống đốc NHNN) trực tiếp phụ trách. |
Trả lời báo chí chiều 4/10 xung quanh việc cấp sổ đỏ cho ông Lê Đức Thúy để biến nhà số 6 Lý Thái Tổ từ nhà công vụ thành nhà riêng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, người trực tiếp ký quyết định cấp sổ đỏ cho căn nhà của ông Thúy, cho biết việc cấp sổ đỏ căn cứ vào hồ sơ do cấp sở trình lên cuối năm 2004.
Ông Lê Quý Đôn cũng cho biết UBND TP đã chính thức yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường & nhà đất (TN-MT&NĐ) Hà Nội báo cáo toàn bộ quy trình tiếp nhận bàn giao nhà và nguồn gốc căn nhà nói trên.
Ông Đôn nói: “Trước khi bàn giao cho TP, căn nhà này đã được chuyển đổi công năng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã gửi kèm theo công văn của Văn phòng Chính phủ cho phép ông Lê Đức Thúy được sử dụng căn nhà làm nhà ở nên TP Hà Nội căn cứ vào đó thực hiện”. Do vậy, theo ông Đôn, việc xử lý đối với trường hợp này TP Hà Nội “không tự quyết định được mà phải chờ ý kiến từ trung ương”.
Tại thời điểm bàn giao căn hộ số 6 Lý Thái Tổ cho Sở TN-MT&NĐ, Cục quản trị NHNN VN đã chuyển kèm theo hồ sơ văn bản số 6320 của Văn phòng Chính phủ cho sở. Nội dung văn bản này nêu: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho ông Lê Đức Thúy sử dụng ngôi nhà số 6 Lý Thái Tổ làm nhà ở.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN-MT&NĐ, cho hay sở đang hoàn chỉnh báo cáo xung quanh việc xét bán nhà cho ông Lê Đức Thúy để trình lãnh đạo TP.
Trước mắt, Sở TN-MT&NĐ sẽ tạm dừng việc xét cấp sổ đỏ đối với diện nhà có nghi vấn là nhà công vụ, trụ sở cơ quan.
(Theo Tuổi Trẻ)