Bài văn viết về người bố thương yêu của em Nguyễn Phan Anh Thư, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Hà Huy Tập 2, được cô giáo chấm 10 điểm. Bài viết dựng lên chân dung một người bố hội tụ mọi điều xấu và tốt, đồng thời nói lên tình yêu thương của cha dành cho con gái và tình cảm của con gái dành cho cha. Trong mắt Anh Thư, bố thua xa "bố nhà người ta" nhưng bố là tất cả, chẳng khi nào khiến em buồn và luôn là anh hùng giải cứu em khỏi những trận lôi đình của mẹ.
Dưới ngòi bút của Anh Thư, bố em có dáng người thấp đậm, cái bụng to to, "đầu bóng vì lâu ngày chưa gội" và "trán dô siêu lầy". So với "bố nhà người ta" có đôi mắt ánh lên sự nghiêm nghị hay môi bặm lại nghiêm túc, bố Anh Thư "mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn" và "miệng chỉ có cười suốt ngày". "Bố nhà người ta" độc lập, tài giỏi khiến vợ con nể phục bao nhiêu, bố trong mắt Anh Thư lại "bị vợ mắng suốt ngày". "Bố nhà người ta" được cấp dưới ngưỡng mộ, còn bố Anh Thư chỉ là xe ôm cho các cô, các bác.
"Nhưng bố em sẵn sàng ký vào bản tự kiểm điểm của em mà không mách mẹ; sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô; sẵn sàng thức đến 3-4 giờ đợi em làm xong bài và đi ngủ; sẵn sàng ngồi bên cùng em 'cày' toán khó mấy tiếng đồng hồ; sẵn sàng thức dậy mỗi sáng để gọi em, dù bố còn thèm ngủ hơn em; sẵn sàng nhường em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích; sẵn sàng cho em mượn ipad vào cuối tuần, với lý do: 'Cho nó giải trí thêm chút'; sẵn sàng đánh xe đến lớp đón em, dù phải bỏ một buổi họp quan trọng; sẵn sàng đấu hài với em, tán chuyện linh tinh cùng em để 'giúp nó giảm stress'", trích bài văn của Anh Thư.
Dù nhiều điểm "không bằng bố người ta", bố Anh Thư lại rất khéo năn nỉ mẹ đừng đánh em hoặc nhận tội thay cho em để không bị mẹ mắng. Với Anh Thư, một người bố như thế là tất cả.
Theo chị Nguyệt Anh, mẹ Anh Thư, đây là đề bài bài tập làm văn giao về nhà của con gái. Anh Thư hiện theo học lớp bồi dưỡng Văn, sau khi xuất sắc vượt qua một kỳ thi hồi đầu năm của trường. Lớp này do một cô giáo dạy giỏi đã về hưu kèm cặp. Ngoài bài văn viết về bố, Anh Thư còn một số bài khác được đánh giá cao.
"Hôm cô trả bài, Anh Thư không đi học nhưng có nghe bạn bè nói lại, rằng đây là bài văn điểm 10 thứ hai của cô. Nhận được bài điểm 10, Anh Thư bất ngờ và vui sướng, nhất lại là điểm hiếm như thế trong cuộc đời dạy học của cô giáo. Trước khi đưa bài này cho mẹ đọc, con có nói: 'Mẹ đừng cười và tức con'", chị Nguyệt Anh kể.
Người bố được miêu tả trong bài văn khá đúng với nguyên mẫu ngoài đời, chỉ khác chi tiết sáng nào bố cũng gội đầu xịt keo bóng loáng, thay vì "lâu ngày không gội".
"Con viết thế cho hài thôi. Sáng nào con cũng chờ bố tắm gội rồi mới đưa đi học. Hai bố con rất thân nhau", chị Nguyệt Anh nói.
Anh Thư ngoài đời đãng trí, thao tác chậm chạp nhưng thông minh, hài hước và hiểu biết rộng. Con có thể bàn luận mọi chủ đề một cách say sưa; lúc như "bà cụ non", khi lại giống con nít vì chành chọe em suốt ngày. Từ nhỏ, Anh Thư đã rất thích đọc truyện, có thể thức đến 2-3h để đọc. Một cuốn như vậy con đọc hàng chục lần không thấy chán. Ở nhà, Anh Thư có hẳn một tủ sách gồm đủ loại. Trong các môn, Anh Thư học khá môn Văn, tiếng Anh và Toán.
Nhắc tới bài văn tả về bố của học trò nhỏ, cô Nguyễn Thị Lài, 60 tuổi, tỏ ra hào hứng và thích thú. Cô Lài là giáo viên Văn có nhiều năm liên tục dạy lớp chọn và tiếp xúc với bao thế hệ học sinh giỏi. Cô từng là giáo viên của một trường chuyên ở Nghệ An. Sau khi nghỉ hưu năm 2013, cô được mời dạy bồi dưỡng cho các lứa học sinh, trong đó có lớp của Anh Thư, vào cuối tuần.
Cô Lài tâm sự, trong 38 năm dạy học, bài viết của Anh Thư là bài văn thứ hai cô chấm điểm 10 và đây là điểm 10 đầu tiên dành cho học sinh tiểu học. Bài văn nhận được nhiều lời khen ngợi trong bút phê của cô giáo cuối bài về cách sử dụng phép đối sánh (đối chiếu và so sánh) nhằm làm nổi bật lên hình ảnh người bố và cách tổ chức đoạn, bố cục chặt chẽ.
"Bài viết tình cảm, sáng tạo, hài hước, vui tươi và không rập khuôn văn mẫu. Lời phê trong bài chưa chuyển tải hết những điều tôi muốn nói về ưu điểm của Anh Thư. Tôi thích phần đối sánh giữa bố Anh Thư và bố người ta. Bố không là ai, không đẹp và có nhiều điểm không bằng bố người ta nhưng bố yêu thương và che chở cho Anh Thư", cô Lài nhận xét.
Bài văn của Anh Thư khiến cô có cảm xúc thích thú và đọc một mạch. Theo cô Lài, Anh Thư mở đầu khéo léo để kết thúc một cách hồn nhiên và hòa hợp.
"Bài được điểm 10 xứng đáng, không phải điểm 10 khích lệ. Trong lớp, Anh Thư là học sinh có khả năng cảm thụ sắc bén. Có một vài em cũng bộc lộ năng khiếu nhưng Anh Thư có chất sáng tạo đột biến. Trong đời dạy học, gặp được những em học sinh có tư chất như vậy, với tôi, quả là hân hoan. Đây có thể xem là một mầm ươm để sau này thi học sinh giỏi quốc gia", cô Lài đánh giá.
Ngoài những lời khen cho Anh Thư, cô Lài cũng góp ý về cách đặt dấu chấm phẩy, thay vì dấu phẩy trong đoạn văn dùng phép lặp với hơn 10 dòng.
Hà Phương