Trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện thường bị vi khuẩn tấn công, gây nên các bệnh đường tiêu hóa. Nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ khiến cơ thể bé suy kiệt, chán ăn và quấy khóc. Chị Trịnh Diệp, một bà mẹ có con 2 tuổi ở Hà Nội, cũng vừa trải qua những ngày mệt mỏi và căng thẳng khi con trai bị rối loạn tiêu hóa.

Chị Trịnh Diệp thường xuyên chia sẻ các bài viết về hướng dẫn kỹ năng cho bé và kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ trên trang cá nhân.
Chị kể: "Chiều và tối hôm đó, con ăn chơi bình thường như mọi ngày. Con đi ngủ đúng giờ nhưng đến khoảng 23h30 thì bỗng nhiên tỉnh dậy và bắt đầu nôn trớ liên tục. Từ khoảng một giờ trở đi, con nôn trớ nhiều hơn vì các cơn co thắt của ruột. Khi nôn hết thức ăn, con vẫn tiếp tục nôn ra dịch. Uống nước vào cũng nôn. Tình trạng này kéo dài đến hôm sau, khiến con mệt lả, ngồi không vững và chỉ muốn được bế trên tay. Con đi ngoài phân lỏng và có mùi tanh".
Lúc này, chị Diệp liền đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận con bị rối loạn tiêu hóa, kê men tiêu hóa, oresol, điện giải và cho con truyền nước bổ sung. Sau 3 tiếng truyền, con đã tỉnh táo hơn và được về nhà, nhưng chị Diệp lại gặp một vấn đề khó khăn là: Con chỉ uống men tiêu hóa, còn các loại khác đều không chịu uống. Bà mẹ trẻ lúc đầu cảm thấy khá "hoang mang" vì không biết làm cách nào để bù nước cho con. Sau cùng, chị tìm ra bài thuốc "thần thánh" có ngay trong nhà là "nước gạo rang". Chị ủ gạo với nước nóng để cho bé uống liên tục và nhanh hồi phục sức khỏe.
"Mình ủ gạo với nước nóng để con uống. Con uống một hơi hết cả cốc nước gạo rang to. Sau đó, con đã hồi phục và bắt đầu leo trèo, chạy tìm đồ chơi như những hoạt động thường ngày của con", bà mẹ trẻ cho biết.

Đây là lần đầu tiên bé Halo, con trai chị Diệp, phải truyền nước nên chị khá lo lắng.
Chị Diệp cũng chia sẻ thêm về chế độ ăn uống khi bé bị rối loạn tiêu hóa là nên nấu các món ăn nhẹ, dễ tiêu để bé không bị đầy bụng. Chị giải thích, thời gian này, nhu động ruột của trẻ đang bị tổn thương nên mẹ đừng vì lo quá mà ép bé ăn, sẽ phản tác dụng. Con sẽ ăn trả bữa sau đó để bù lại năng lượng mất đi. Các món phù hợp cho bé khi bị bệnh đường tiêu hóa là cháo, bánh mì...
Bà mẹ một con cho rằng: "Nuôi con là cả một cuộc chiến dài, hãy bỏ ngoài tai những lời chê bai, than thở: 'Sao để con ốm suốt thế?', 'Sao con còi thế?'... Các mẹ chỉ cần nhớ rằng con cũng cần được trải nghiệm tất cả, kể việc ốm". Sau khi bé bị nôn trớ nhiều, chị Diệp khuyên các mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng vì nước, dịch có thể bị đẩy lên tai, dễ gây viêm tai giữa và co thắt phế quản.
Hà Nhi