Chị Lệ Quyên (TP HCM) có hai con gái. Bé thứ hai nhà chị 15 tháng tuổi, hiếu động và thích leo trèo. Theo lời bà mẹ 8X này thì cô bé "nghịch hơn cả con trai" và vì thế bé cũng "hay bị tai nạn" hơn cô chị. Cách đây gần một tháng, bé đã khiến cho cả nhà "một phen náo loạn" vì nghịch chiếc bình thủy (phích nước nóng) và bị bỏng từ bắp chân trở xuống. Rất may là chị Quyên đã xử lý kịp thời và sử dụng "bí quyết gia truyền" là bài thuốc từ lá lốt nên chân bé không bị phồng rộp, nhanh chóng phục hồi. Chân của bé hiện tại đã gần như khỏi hoàn toàn, chỉ còn bong da và cũng không để lại sẹo.
Chia sẻ về tai nạn bỏng nước sôi của bé, chị Lệ Quyên kể lại: "Hôm đó, khoảng 21h, mình cho con uống sữa. Bé không bú bình và phải uống bằng chiếc ly nhỏ. Bé vừa uống xong thì đòi lấy bình nước lạnh để uống. Mình một tay ôm bé, một tay giữ bình nước. Bé nhanh lắm, vừa thả cái bình nước lạnh ra thì tự nhiên thấy dưới chân mình nóng và nghe bé thét lên. Mình còn không kịp nhìn thấy bé kéo cái bình thủy nước sôi và nó đổ vào bé".
Lúc đó, hai mẹ con đang ở gần toilet nên chị Quyên đã ngay lập tức bế con vào, mở vòi nước lạnh xả cho con. Trước tai nạn của bé, cả nhà đều hốt hoảng. May sao hôm đó có bà nội mới ở Nha Trang vào chơi, bà đã nhờ ngay bà dì ra ngoài tìm lá lốt. Chị Quyên xả nước cho bé khoảng 15 phút thì bà dì đem lá lốt về, chị và mẹ chồng cùng nhai nhuyễn lá rồi phun lên chân bé.
"Xác định là bị nguyên cái bắp chân với bàn chân luôn. Bé khóc thét, mình cũng nghĩ là thôi rồi, cái chân này ngày mai sẽ rộp nước lên và sẽ còn phải chăm sóc lâu. Đến khuya, chồng mình đi tìm thêm lá lốt về, bỏ vào máy xay nhuyễn, đắp lên chân cho con rồi băng bằng cái khăn xô. Thật kỳ diệu, đêm đó bé cũng ngủ được, sáng hôm sau không hề bị phồng hay rộp nước. Chỗ bị bỏng đỏ sẫm lại nhưng khô, bé đứng lên và đi được bình thường. Bây giờ thì lớp da bị bỏng xám, đen đã tự tróc da, thay lớp da mới. Nhìn bên chân bị bỏng không thấy có gì khác biệt so với chân còn lại", chị Quyên chia sẻ.
Bà mẹ hai con cho rằng, khi trẻ bị bỏng, lỗi trước tiên là do người lớn bất cẩn nên trong trường hợp của mình, chị đã luôn thấy ân hận (đến giờ vẫn còn sợ và thấy có lỗi với con). Hôm bé bị tai nạn, lúc con ngủ thì chị cũng nằm khóc vì thương con. Tuy nhiên, nếu xảy ra chuyện, trước hết cần bình tĩnh. Bỏng nước sôi thì đưa con đi xả nước lạnh ngay rồi đắp lá lốt vào vết thương. "Bài thuốc quân y" có thể dùng để chữa cả bỏng nước sôi, bỏng do lửa, mẹ chồng chị Quyên thường xuyên dùng cách này mỗi lần bị bỏng khi nấu nướng.
Ngoài ra, chị Quyên còn chia sẻ thêm một công dụng nữa của cây lá lốt là trị bệnh hội chứng ống cổ tay. Hồi chị sinh bé đầu tiên được 3 tháng, tay bị tê đến mức không chạy được xe máy, không cầm nắm được. Chị đi khám bệnh và đo điện tâm đồ, bác sĩ bảo phải phẫu thuật nhưng chị không làm vì vướng con nhỏ. Ba chồng chị mách chị tìm cây lá lốt nhổ cả rễ rồi bỏ chút muối hột vào nấu nước để ngâm tay. Ban đầu chị làm ngày 2 lần, rồi giảm xuống một lần/ngày và sau khoảng một tháng thì bệnh khỏi hẳn.
Song Giang