Vào ngày 27/3, khi đang du lịch bằng xe máy xuyên Việt thì Chris Brinlee Jr bị rơi mất túi đồ có chứa máy ảnh, laptop và hai ổ cứng chứa toàn bộ ảnh và video mà Chris đã ghi lại được trong 7 tháng vòng quanh thế giới.
Chris kể anh đã đi phải con đường đầy ổ gà khi di chuyển từ Tây Nguyên tới Phong Nha (Quảng Bình) để khám phá hệ thống hang động nơi đây. Sau khi dừng lại ở một ngã tư để xem bản đồ thì Chris thấy một người đàn ông địa phương liên tục ra hiệu chỉ tay về phía sau. Ngay lập tức Chris nhận ra túi đồ của mình đã bị rơi mất trong khi các dây buộc thì vẫn còn treo lủng lẳng ở yên sau.
Vội cưỡi chiếc xe máy quay ngược trở lại, Chris nhớ rằng trước đó vài cây số anh có phi qua một ổ gà khá lớn nhưng khi đến đó thì lại chẳng có gì. Chris tiếp tục mở rộng bán kính tìm kiếm quanh khu vực này trong nhiều giờ nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc và vẫn tiếp tục hành trình.
Tưởng chừng đã không còn tìm được túi đồ giá trị nhưng may mắn đã mỉm cười với nhiếp ảnh gia này khi một gia đình người địa phương sau khi nhặt được đã tìm cách liên lạc với Chris qua Facebook và gửi trả lại toàn bộ máy ảnh, laptop cũng như hai ổ cứng quý giá.
Kiểm điểm về việc làm rơi mất đồ, Chris đã rút ra được những bài học sau đây:
1. Không được cẩu thả
Khi bị mất đồ Chris tự dằn vặt rằng có hàng tá việc mà anh ấy đã có thể làm khác đi ngày hôm đó để túi đồ không bị rơi mất. Chris có thể chằng thêm một bộ dây đai cho chắc chắn hoặc đeo túi trên lưng hay buộc chằng vào người là yên tâm nhất nhưng anh đã không làm vậy. Chính sự lười biếng và tự mãn đã khiến Chris phải trả giá đắt.
2. Giữ những thứ quan trọng bên người
Hộ chiếu, ví, điện thoại, tiền là những thứ không bao giờ nên bỏ ra khỏi người. Nếu mất những thứ đó thì chuyến du lịch của bạn sẽ thật sự tồi tệ và đầy rắc rối.
3. Luôn kiểm tra hai lần
Một kịch bản thường hay xảy ra với nhiều người là quên điện thoại, ví tiền trên taxi, tàu điện ngầm, xe khách vì vội vàng, đãng trí. Hãy tự nhắc nhở bản thân soát lại một lượt các đồ đạc của mình hai lần để tránh việc khi chiếc xe đã chạy xa cùng đồ vật thì bạn mới chợt nhận ra.
4. Mua bảo hiểm
Trong trường hợp bạn bị mất đồ - dù là máy ảnh, điện thoại hay máy tính - thì các chính sách bảo hiểm du lịch sẽ gánh bớt cho bạn một phần. Với những người hay mang các vật có giá trị lớn thì bảo hiểm càng cần thiết. Nên chọn loại bảo hiểm cả đồ đạc lẫn thân thể nếu tham gia các hoạt động mạo hiểm như nhảy dù hay neo lúi.
5. Sao lưu dữ liệu làm nhiều bản
Chris mang hai ổ đĩa cứng để lưu các bức ảnh và video, một cái anh giữ, một cái đưa cho bạn thân. Nhưng khi bắt đầu hành trình Tây Nguyên - Phong Nha một mình thì Chris lại cầm cả hai, điều này đã khiến anh phải hối hận. May mắn là nhiếp ảnh gia này đã tải các bức ảnh yêu thích nhất lên mạng với độ phân giải cao.
6. Đừng quá sợ hãi
Cách tốt nhất để giải quyết sự việc đau lòng như Chris là giữ bình tĩnh, sau đó kiên nhẫn tìm kiếm.
7. Dán nhãn thông tin cá nhân lên đồ vật
Hãy dán các thông tin cá nhân lên đồ vật bạn sở hữu như họ tên, số điện thoại, địa chỉ để nếu có người nhặt được thì họ sẽ biết cách để liên lạc trả lại đồ. Nhất là với những chuyến du lịch nước ngoài thì nhớ viết cả email hay Facebook, Twitter, Instagram.
8. Không từ bỏ hy vọng
Trong những ngày, tuần, tháng đầu hoặc thầm chí nhiều năm sau khi bạn bị mất đồ thì cũng đừng từ bỏ hy vọng. Có thể người nhặt được cũng đang không ngừng tìm cách liên lạc để trả lại bạn. Hãy chú ý kiểm tra tin nhắn, email, thậm chí cả thùng thư rác vì biết đâu email bạn mong đợi lại bị bộ lọc cho vào "spam" thì sao.
Hà Đan (theo Indefinitely Wild)