Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện làm việc tại Bệnh viện Hoàng gia Worcester, Anh. Bài viết dưới đây của anh giúp các bậc cha mẹ hiểu quát mắng không phải là kỹ năng nuôi dạy con tốt và cách khiến trẻ kiểm soát cảm xúc, nhận ra cái sai rồi hợp tác, thay vì phản ứng dữ dội.
Mệt mỏi với những biểu hiện ương bướng của trẻ, bạn quát mắng con với mong muốn bé dừng ngay hành động đó. Nhưng liệu sử dụng công cụ "la mắng" có đem lại hiệu quả? Trẻ có hiểu bạn mắng là do bé làm sai? Câu trả lời của ba chuyên gia hàng đầu về tâm lý nhi sẽ giải thích cho vấn đề này.
Theo tiến sĩ Gupta M., người từng có 15 năm kinh nghiệm tư vấn các vấn đề ở trẻ tại Khoa Tâm lý Nhi, ĐH London, trẻ học rất nhanh. Khi bạn mắng, chúng có thể học cách quát lên lúc nào cần sự chú ý của bạn. Khi bạn đe dọa, bé sẽ học cách làm bạn sợ. Tồi tệ hơn, nếu bạn la mắng mà không có hành động nào, bé có thể học được rằng: "Ôi, mẹ chỉ quát lên thế, chứ không có gì". Thực sự trẻ sẽ hiểu sai lệch như trên khi bạn mắng và trẻ lại tiếp tục làm sai cho những lần khác, sẽ dữ dội hơn lần trước. Trẻ không hiểu đang làm sai gì đó và bị mắng như bạn đang nghĩ.
Chia sẻ trên tạp chí Texas Child Care, tiến sĩ Erik S. ở ĐH Texas, Mỹ, cho biết: "Trong 5 kết quả về trạng thái tâm lý mà chúng tôi tìm thấy ở những đứa trẻ thường xuyên bị mắng, không có trạng thái nào cho thấy việc thay đổi của trẻ là tích cực, dù cường độ và tần suất la mắng của cha mẹ có gia tăng".
Giáo sư Nelsen J., người đứng đầu dự án ACCEPT kéo dài 10 năm về việc giáo dục cha mẹ trong hành vi bướng bỉnh ở trẻ nhỏ, phân tích, nhiều phụ huynh nghĩ quát mắng là cách nhanh và đơn giản nhất để trẻ ngưng ngay hành động bướng bỉnh nào đó. Thực tế, nó không hiệu quả như cách chúng ta muốn. Ngược lại, bạn sẽ thấy trẻ thậm chí ương bướng hơn trước.
La mắng là kỹ năng nuôi dạy con chưa đúng
Thực sự, quát mắng không mang lại hiệu quả như phụ huynh mong muốn. Chúng ta thường nghĩ trẻ sẽ hiểu điều làm sai khi bị la và sẽ làm tốt hơn. Trẻ con từ 0-6 tuổi thật sự không thể kết nối được việc la mắng của bạn với điều bé làm sai. Đó là sự thật vì cả hành động làm sai và la mắng là hai khái niệm trừu tượng khiến bé không hiểu và không thể kết nối lại.
Một kỹ năng nuôi dạy con tốt hơn la mắng và đánh phạt rất nhiều đó là dùng hình ảnh hiện hữu đại diện cho khái niệm trừu tượng.
Bạn có bao giờ nhắm mắt và nghe ai đó nói: Vật A to hơn vật B (cả vật A và B bạn không hề biết trước nó như thế nào). Bạn có đồng ý nhận định này không? Tất nhiên là không hoặc nghi ngờ. Nhưng nếu tôi nói vật A là trái cam, vật B là trái nhãn thì bạn sẽ đồng ý (vì bạn đã có khái niệm trái cam và trái nhãn ra sao). Hoặc tôi cho bạn sờ nó và bạn cũng đồng ý với tôi là vật A to hơn vật B. Đó là khái niệm mà tôi muốn nói đến ở đây trong cách dạy trẻ hiểu về sai lầm và cảm xúc.
Trẻ con suy nghĩ y như bạn khi nhắm mắt và toàn nghe mệnh lệnh. Trẻ không hiểu mệnh lệnh (ở đây là la mắng) và việc trẻ làm sai lại càng quá trừu tượng và khó giải thích. Một yếu tố khác sẽ chi phối thêm vào là sự ngờ vực, sự không hài lòng, sự tức giận - cái mà tôi gọi là cảm xúc. Thử nghĩ xem, trẻ nhỏ như vậy, mà một lúc có ba khái niệm, cảm xúc khó hiểu xảy ra, trẻ chọn cách học lại cảm xúc của bạn là nhanh nhất. Do đó, bạn càng quát mắng, trẻ sẽ làm y như vậy với một ai đó.
Làm sao để dạy trẻ hiểu về kiểm soát cảm xúc và việc làm sai của bản thân?
Tôi thường nghe cha mẹ chia sẻ: Trẻ phản ứng dữ bằng cách khóc và lăn lộn khắp nhà. Càng bị mắng, con càng dữ dội và chỉ chịu kết thúc bằng một cách dụ nào đó như bánh kẹo hoặc trò chơi. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy chọn vật hữu hình cho một tình huống vô hình của sự bướng bỉnh để dạy con dần cách ứng phó, thay vì quát mắng và kết thúc bằng dụ ngọt. Khi trẻ nhận ra điều vô hình này bằng một vật hữu hình tương ứng thì não bộ sẽ ghi nhận và trẻ sẽ thay đổi. Ngược lại, giống như tôi đề cập ở trên: Nếu mẹ la mắng và dụ ngọt thì não bộ trẻ kết thúc là một phần thưởng và dĩ nhiên lần sau vẫn sẽ là một phần thưởng.
Một điều quan trọng trong phương pháp dùng hữu hình là tâm lý của bạn: Phải thật bình tĩnh và giữ thái độ nghiêm, không đùa, không quá hung dữ, xù lông.
Một số cách tạo vật hữu hình
Khi trẻ bướng bỉnh về thời gian
Bước 1: Giữ khuôn mặt, thái độ nghiêm và cho trẻ thời gian kết thúc bằng một câu nói: "Bi ơi, con có 1 phút nữa nhé, rồi chúng ta sẽ về".
Bước 2: Chuẩn bị cho trẻ vật hữu hình để chúng hiểu 1 phút là như thế nào? Tôi thường đề nghị cha mẹ cho bé bỏ túi một chiếc đồng hồ cát đồ chơi. Khi nói câu trên, mẹ hãy yêu cầu trẻ lấy đồng hồ cát của con ra và lật úp lại để cát chảy xuống, và nói: "Bi ơi, con có 1 phút nữa nhé. Khi cát chảy xuống hết thì chúng ta về nhé. Con đồng ý không nào". Hãy cùng con đánh tay đồng ý nếu được.
Bước 3: Nếu trẻ vẫn bướng bỉnh hất đổ hoặc tìm cách lật lại đồng hồ cát thì bạn hãy kết thúc thời gian chờ ngay và nói: "Con đã chọn cách kết thúc thời gian chờ bằng cách hất đổ đồng hồ cát. Con sẽ phải đi về và kết thúc ngay trò chơi ở đây". Mặc cho bé cố gào khóc, bạn vẫn giữ nghiêm thái độ rồi chở bé về nhà, và trên đường không nói gì thêm với bé. Về đến nhà, cơn bão sẽ qua và lúc đó bạn mới giải thích về hành động của bé.
Khi trẻ giận dữ bất kỳ lúc nào
Trẻ hay giận dữ ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày có nghĩa là bé rất kém trong việc kiểm soát cảm xúc. Biểu hiện là trẻ hay giận, khóc thét khi không đồng ý việc gì. Hãy chọn một hành động hữu hình để dạy trẻ về cơn giận. Bạn có thể thử cách "thổi bay cơn giận dữ". Khi bạn chọn cách dạy trẻ thổi bay nó, trẻ sẽ có khái niệm là cơn giận có thể thổi bay và vui vẻ trở lại.
Hãy chọn một vật gì trong nhà có thể thổi bay như bông gòn hay hoa bồ công anh. Khi trẻ quấy khóc, bạn nghiêm mặt nói: "Bi ơi, ngồi dậy nào, mẹ có cái này chơi với con". Lúc này, trẻ có thể không quan tâm bạn, nhưng bạn hãy "bơ" đi hành động khóc của con với thái độ nghiêm và mang bông gòn ra thổi rồi nói: "Bi ơi, con đang tức giận, mẹ cũng đang tức giận, nhưng mẹ sẽ thổi bông gòn bay đi. Bông gòn bay đi như thế này và mẹ đã cười trở lại. Con có thử không?".
Bài tập trên có thể thực hành và dạy trẻ khi trẻ bình thường để trẻ dần có khái niệm như thế nào là tức giận và khi đó thì việc thổi bay sẽ dễ dàng. Khi trẻ đã được làm quen với phương pháp này thì những lúc trẻ tức giận, bạn chỉ cần nói: "Bi ơi, bông gòn con đâu, tại sao con giữ nó mà không thổi bay đi. Nào cùng làm với mẹ nhé".
Bác sĩ Anh Nguyen