Đầu những năm 1840 khi thuốc mê chưa xuất hiện, người ta phải cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật uống thật nhiều rượu rum hoặc thuốc phiện rồi buộc chặt họ vào bàn mổ. Trong tình cảnh ấy, kỹ năng hữu ích và được ngưỡng mộ nhất của một bác sĩ chính là tốc độ mổ.
Tại London (Anh), về khả năng phẫu thuật nhanh chóng không ai vượt qua Robert Liston. "Ông ấy là tay mổ tốc độ nhất vùng West End", cây bút Richard Gordon nói về vị bác sĩ người Scotland. Các tài liệu ghi lại Liston có thể cắt khối u 20 kg trong 4 phút và đoạn chi trong 28 giây, nhờ vậy hạn chế đau đớn đồng thời tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân. Trong thời gian làm việc ở Bệnh viện Đại học London, tỷ lệ bệnh nhân tử vong của Liston là một trên 10, thấp hơn nhiều so tỷ lệ một trên 4 tại Bệnh viện St. Bartholomew gần đó. Tuy nhiên, chính biệt tài đoạn chi quá nhanh cùng sở thích trình diễn của Liston đã dẫn đến ca mổ khiến 3 người chết.
Theo Gizmodo, Liston tiếp nhận một nam bệnh nhân và quyết định cắt bỏ chân của người này, thời gian dự kiến 2 phút rưỡi. "Tính giờ đi, các quý ông", vị bác sĩ nói với nhóm đồng nghiệp và sinh viên y khoa đến chứng kiến. Tham gia cùng Liston còn có nhóm phụ tá chịu trách nhiệm giữ chặt bệnh nhân trên bàn mổ.
Để tăng tốc độ, miệng vị bác sĩ ngậm dao còn tay cầm cưa. Ông cắt bên dưới đầu gối bệnh nhân, bỏ phần chi bị đoạn vào xô đầy mùn cưa rồi khâu vết thương lại trong tiếng hò reo của đám đông. Như được yêu cầu, khán giả tính giờ toàn bộ quá trình phẫu thuật từ vết rạch đầu tiên đến lúc cắt chỉ khâu. Tổng cộng thời gian là 2 phút rưỡi.
Thế nhưng, ca phẫu thuật không kết thúc như mong đợi. Thao tác quá nhanh, Liston không chỉ đoạn chi bệnh nhân mà còn vô tình cắt phải ngón tay của một trợ lý. Vài ngày sau, cả bệnh nhân lẫn trợ lý kia đều tử vong vì hoại tử.
Không chỉ vậy, Liston còn lỡ cắt vào áo một bác sĩ lớn tuổi đứng xem. Quá sợ hãi vì nghĩ rằng mình đã bị kéo đâm trúng, vị thầy thuốc già lên cơn đau tim rồi qua đời. Tỷ lệ tử vong lên đến 300%, ca mổ của Liston trở thành huyền thoại thế giới.
Sau này, Liston tiếp tục sự nghiệp cầm dao mổ cho đến khi qua đời. Ngày 21/12/1846, ông tiến hành thành công ca phẫu thuật đầu tiên tại châu Âu theo phương pháp gây tê hiện đại bằng cách sử dụng ête. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều phát minh mà đến nay vẫn ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân.
Dù đóng góp không ít cho y học, người ta vẫn chủ yếu nhớ đến Robert Liston qua ca mổ có một không hai.
VnExpress